Thái Bình: 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7 - Khóa X

Thứ 6, 03/08/2018 | 08:41:33
474 lượt xem

Năm 2018 là năm thứ 10 tỉnh Thái Bình thực hiện Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Thái Bình xác định thực hiện. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Và quan trọng hơn cả là tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân đã thay đổi, mang lại giá trị cao hơn khi sản xuất nông nghiệp.

Tiếc ruộng người dân bỏ hoang, anh Lại Văn Hòa, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư thuê lại của xã để sản xuất. Trên diện tích hơn 3ha, anh Hòa dành phần lớn để nuôi cá thương phẩm. Anh cho biết, vì là đất chua trũng nên có cấy lúa hay trồng cây gì thì năng suất cũng không cao. Nuôi cá vừa được giá, lại góp phần cải tạo đất vì anh không phá vỡ mặt bằng. Một vụ nuôi anh Hòa xuất bán từ 7-8 tấn cá trắm, cá chép. Mỗi năm trừ hết chi phí, anh cũng thu lãi trên 200 triệu đồng.

 Anh Lại Văn Hòa - Xã Tân Hòa (Vũ Thư): Nếu để canh tác thuận lợi thì bắt buộc mình phải thực hiện mô hình ao nổi thì mình mới có kinh tế được. Năm đầu tiên mình làm nhiều cái khó khăn về nguồn vốn, nhưng đến bây giờ ổn định hiệu quả tương đối tốt.

Nếu như 10 năm trước đây, sản xuất nông nghiệp trên diện tích khoảng 3ha như gia đình anh Hòa là rất hiếm, nhưng hiện nay đã có nhiều hộ nông dân tích tụ ruộng đất để sản xuất, thậm chí có những hộ lên tới 20ha. Trên diện tích đó, nhiều người chỉ trồng chuyên canh 1 loại cây để tiện chăm sóc và tiêu thụ số lượng lớn, có thể áp dụng KHKT vào sản xuất để giá bán cao hơn.

Hiện nay ở Thái Bình, tổng diện tích đất nông nghiệp được tập trung tích tụ đạt gần 15.000 ha. Trong đó cho thuê, góp đất trên 5.000 ha; liên kết sản xuất gần 10.000 ha. Nhiều người còn mạnh dạn đầu tư, gắn sản xuất với chế biến sản phẩm chứ không đơn thuần là xuất sản phẩm thô.

  Anh Lê Ngọc Huê - Xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ): Phải chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, về máy móc thiết bị, xây dựng quy trình quản lý, quy trình sản xuất cho khép kín và đảm bảo an toàn. Khi mình làm được như vậy thì sản phẩm đem đến cho người tiêu dùng là những sản phẩm hữu cơ đảm bảo an toàn,

Bên cạnh việc tích tụ ruộng đất, nhiều địa phương đã quy vùng sản xuất tập trung, hình thành những cánh đồng 400 - 500 triệu đồng một hecta. Các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương. Trong đó, nhiều mô hình đã thành công như: Mô hình cánh đồng mẫu lớn; mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín; mô hình tổ hợp tác kiểu mới.

Chính việc quy vùng, sản xuất trên quy mô lớn đã phát huy hiệu quả của đất, giá trị sản xuất gấp 1,5 đến 2 lần so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp được đổi mới. Thay vì những HTX nông nghiệp kiểu cũ thì bây giờ là HTX dịch vụ nông nghiệp, hình thành những doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp, những tổ hợp, tổ đội, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với nhau bằng cơ chế hợp đồng, khoán khoản. Điều này đã cho thấy quan hệ sản xuất trong nông nghiệp có chuyển biến tích cực trên nền tảng Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết của tỉnh.

Có thể thấy chính là sự thay đổi về tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân mà vẫn mảnh đất ấy, vẫn người nông dân ấy nhưng hiệu quả sản xuất đã khác. Chính sự phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại mà tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2008-2017 đạt 3,96%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Giá trị sản phẩm trồng trọt, thủy sản trên 1 hecta cũng tăng gấp 2 đến 3 lần. Đơn cử như giá trị sản phẩm trồng trọt tăng từ 63 triệu đồng/ha năm 2008 lên 133 triệu đồng/ha năm 2017. Hay giá trị sản phẩm thủy sản năm 2008 đạt 69 triệu đồng/ha thì năm 2017 đã tăng lên trên 220 triệu đồng/ha

Bên cạnh những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, Hội nghị lần thứ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và chế biến thức ăn gia súc còn chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là cơ chế để người nông dân yên tâm đầu tư lớn cho sản xuất sau khi tích tụ, tập trung ruộng đất.

Đây là những vấn đề thực tế đặt ra và đang được các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ.                                                                          

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...