Các địa phương chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết

Thứ 5, 24/08/2017 | 09:02:53
398 lượt xem

Theo thống kê đến hết ngày 23/8 của Trung tâm Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 361 ca mắc sốt xuất huyết. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày từ lần thống kê gần nhất ngày 12/8, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã tăng thêm 102 trường hợp.

Huyện Hưng Hà là địa phương có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhất cả tỉnh với 80 ca, trong đó tính riêng tháng 8 đã có 45 bệnh nhân mắc mới. Huyện Kiến Xương với 59 trường hợp sốt xuất huyết và Thành phố Thái Bình với 58 trường hợp.

Trước tình hình này, hệ thống Y tế dự phòng đang tăng cường tổ chức xử lý ổ dịch, triển khai hoạt động giám sát tại các xã có nguy cơ bùng phát dịch. Phối hợp cùng địa phương tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân chủ động đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên. Thêm vào đó, nên mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

+ Hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Hưng ( Thái Bình) đã phát hiện 71 trường hợp chuẩn đoán lâm sàng sốt xuất huyết (SXH), trong đó 21 trường hợp dương tính, các trường hợp bị nhiễm sốt xuất huyết đều là người ngoại lai.

Để chủ động phòng chống dịch SXH huyện Đông Hưng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, tiếp nhận, điều trị sốt xuất huyết kịp thời cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về dịch SXH, hướng dẫn triển khai hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, đổ bỏ vật dụng chứa lăng quăng, tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường… thường xuyên theo dõi và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết để kịp thời điều trị, tránh để dịch SXH bùng phát.                                                                 

+ Đến nay, huyện Thái Thụy ( Thái Bình) đã phát hiện 45 trường hợp  mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 xã có xuất huyết nội sinh. Riêng xã Thái Tân tuy chưa có trường hợp nào bị mắc, song địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. 

Ngay sau khi nhận kế hoạch và các văn bản hướng dẫn của UBND huyện và ngành chuyên môn, xã Thái Tân đã tổ chức 2 hội nghị mở rộng, quán triệt quan điểm và biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ cao, nhất là đóng góp kinh phí, mua thuốc diệt muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết.

 Ông Nguyễn Thành Năng – Thôn Nghĩa Hưng xã Thái Tân: Chúng tôi qua nghe ti vi, rồi được xã quán triệt, chúng tôi thấy việc làm này rất thiết thực đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Đợt này trạm xá cũng như UBND đã đến diệt muỗi tại gia đình sớm. Gia đình tôi cũng hưởng ứng đóng góp cho xã 500.000, vệ sinh sạch sẽ, chỗ nào có nước đọng thì tiêu hủy đi, quang bờ bụi. Cùng với cán bộ phong trào ở đây làm cho tích cực hiệu quả hơn.

Huy động xã hội hóa, bổ sung nguồn kinh phí mua thuốc đặc hiệu, phục vụ chiến dịch phun phòng chống dịch sốt xuất huyết trên toàn địa bàn là một trong những cách làm sáng tạo của xã Thái Tân. Dự kiến trong đợt này, xã Thái Tân lấy về 100 lít hóa chất đặc hiệu của Anh Quốc phun phòng bệnh sốt xuất huyết trên toàn địa bàn.

 Ông Nguyễn Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Thái Tân: Đến thời điểm này chưa có trường hợp nào mắc sốt xuất huyết. Trước bùng phát sốt dịch SXH trên toàn quốc, chúng tôi đã họp BCĐ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết. Chúng tôi đã đặt vấn đề với Trung tâm Y tế dự phòng mua thuốc, đến nay là các hộ trong xã mỗi hộ đóng 100.000 để mua thuốc. Sau đó đi sâu vào tổng vệ sinh môi trường, nhân dân làm rất tích cực: diệt loăng quăng, bọ gậy, thả cá cờ vào bể nước. Phong trào chống dịch SXH ở Thái Tân rất mạnh mẽ, được các đoàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng.

Trong đợt phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất  huyết, xã Thái Tân trích kinh phí trang bị đủ y dụng cụ bảo hộ và hỗ trợ công cho các tổ phun. Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện trực tiếp theo dõi, giám sát và hướng dẫn kỹ thuật.

Bà Lê Thị Huế - Trạm trưởng y tế xã Thái Tân: Sau đợt chiến dịch này chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cho đội ngũ cán bộ y tế thôn tuyên truyền nhân dân thường xuyên tổng VSMT, bám sát cơ sở, theo dõi tất cả các ca dịch, nếu phát hiện báo ngay cho trạm y tế để xử lý.

Tin rằng, với cách làm sáng tạo và quyết liệt, xã Thái Tân quyết tâm không để dịch sốt xuất huyết phát sinh trên địa bàn, góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

+ Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết trong cả nước và các địa phương lân cận, Thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Từ đầu tháng 7 đến nay, xã Tân bình (Thành phố) ghi nhận 7 trường mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca nội sinh. Với mục tiêu, không để dịch bùng phát và lây lan trên địa bàn, xã đã chủ động các biện pháp phòng chống dịch ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. 

Ông Bùi Đức Tuệ - Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình: Thành lập ban chỉ đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giao trạm y tế phối hợp CB văn hóa và đài truyền thanh viết bài TT nêu rõ triệu chứng, cách phát hiện SXH, các biện pháp phòng trừ để người dân nắm được. Phối hợp Trung tâm y tế chuẩn bị lượng hóa chất cần thiết, tổ chức phun thuốc phòng trừ.

Tính đến ngày 22/8, toàn Thành phố ghi nhận 71 trường hợp sốt xuất huyết tại 18/19 xã phường. Trong đó 49 ca đã điều trị khỏi, 22 ca đang điều trị. Phường Bồ Xuyên là địa phương đông ca mắc nhất với tổng số 12 ca. Để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, Trung tâm y tế Thành phố thành lập đội cơ động phòng chống dịch. Tổ chức 8 lớp tập huấn cho gần 500 cán bộ trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường, y tế thôn, tổ dân phố. 

Đối với các xã phường có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trung tâm phối hợp giám sát tại cộng đồng, tiến hành điều tra ca bệnh, điều tra số côn trùng. Tổ chức khoanh vùng, phun trừ diệt muỗi, diệt bọ gậy loăng quăng khu vực dân cư người bệnh sinh sống và các khu vực lân cận. Tuyên truyền người dân về các dấu hiệu của bệnh, các biện pháp chủ động phòng tránh. Cùng với trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa Thành phố tập trung các phương án chủ động phòng chống dịch, phun thuốc diệt muỗi trong và ngoài khu vực bệnh viện. Có phương án điều trị cách ly người bị bệnh, chuẩn bị nhân lực, vật tư phòng chống dịch.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức và ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch được nâng lên. Đặc biệt chú trọng các hoạt động vệ sinh môi trường, thu dọn vật chứa nước không cần thiết, tránh để muỗi sinh sản.

 Bà Bùi Thị Gái – Xã Tân Bình: Là một hội viên phụ nữ của thôn và là thành viên trong gia đình, thấy phòng chống dịch sốt xuất huyết rất quan trọng. Tôi nhắc nhở con em mình giữ vệ sinh sạch sẽ, phòng chống triệt để, quét dọn sân vườn, lật úp các hố đựng nước. Hôm nay được đoàn của xã về phun thuốc diệt muỗi, người dân chúng tôi thấy rất yên tâm phấn khởi.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục huy động sự  chung tay, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và người dân trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết với mục tiêu hạn chế thấp nhất số ca bệnh sốt xuất huyết phát sinh, không để dịch lây lan.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...