Một số lưu ý trong chăn nuôi gia súc gia cầm sau tết nguyên đán

Thứ 3, 21/02/2017 | 15:38:34
580 lượt xem

​Thời tiết sau tết Nguyên đán có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đàn vật nuôi: ban ngày nắng ấm, đêm và sáng trời lạnh làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; có gió đông – đông nam nên độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển và lây lan. Mặt khác, đây thời điểm người chăn nuôi tái đàn vật nuôi nên số lượng gia súc gia cầm (GSGC) non chiếm số lượng lớn trong tổng đàn, đây là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh do sức đề kháng thấp.

Vì vậy để hạn chế dịch bệnh xảy ra, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Về chuồng trại:

- Giữ cho chuồng nuôi luôn khô ráo, nên che chắn tránh gió lùa nhất là về đêm và sáng sớm tuy nhiên vẫn phải đảm bảo độ thông thoáng.

- Phát quang bụi rậm xung quanh, khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt, lầy lội, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh.

- Đối với GSGC non chưa có khả năng tự điều tiết thân nhiệt, cần phải nuôi trong chuồng úm hoặc quây úm.

- Trước khi tái đàn vật nuôi cần phải vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc sát trùng và để trống chuồng ít nhất 2 – 3 tuần sau đó mới cho GSGC vào nuôi.

2. Về con giống:

Chỉ mua con giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y tại những cơ sở giống có uy tín, được cấp phép của Nhà nước. Con giống phải khỏe mạnh, khi mới mua về phải được nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh, đảm bảo giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn.

3. Về chăm sóc nuôi dưỡng:

- Cho vật nuôi ăn thức ăn sạch, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp theo lứa tuổi.

- Cho vật nuôi uống nước sạch và ấm, tốt nhất là dùng vòi uống tự động. Có thể bổ sung các loại Vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng cho vật nuôi vào những ngày thay đổi thời tiết.

- Nuôi nhốt với mật độ vừa phải:

+ Đối với gà: úm 50 - 60 con/m2, gà dò nhốt 20 - 30 con/m2, gà vỗ béo nhốt 7 - 10 con/m2, gà đẻ nhốt 4 con/m2.

+ Đối với lợn: lợn nái, lợn có chửa cần 3 - 6 m2/con; lợn thịt 2 m2/con.

+ Đối với trâu bò: trâu, bò 4 - 5 m2/con, dê 1,8 - 2 m2/con.

- Chế độ chăn thả: nên chăn thả khi trời đã tan sương, có nắng ấm.

- Vận chuyển: sử dụng xe chuyên dụng, được che chắn gió lùa, vận chuyển vào lúc trời nắng ấm. Nếu đường xa cần dự trữ thức ăn, nước uống đầy đủ. Trong quá trình vận chuyển thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi để xử lý kịp thời.

4. Vệ sinh thú y:

- Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, đặc biệt là GSGC mới tái đàn: Đối với gia cầm tiêm các loại vắc xin cúm gia cầm, Niu cát xơn, Gumboro, dịch tả vịt, viêm gan vịt, tụ huyết trùng. Đối với lợn Tiêm các loại vắc xin: phó thương hàn, dịch tả, tụ dấu, tai xanh. Đối với trâu bò tiêm vắc xin tụ huyết trùng.

- Tăng cường vệ sinh, phun thuốc sát trùng chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Chất thải được xử lý bằng các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường như bể Biogas, hố ủ phân, đệm lót sinh học.

- Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi bị ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan. Đặc biệt với các bệnh đường hô hấp và tiêu hoá cần chủ động cho GSGC uống thuốc ở liều phòng bệnh khi thời tiết thay đổi.

Khi có vật nuôi bị ốm, chết cần báo ngay cho thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...