Điện lực Tiền Hải góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 21/02/2015 | 09:09:12
1,231 lượt xem

Chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý được thực hiện ở huyện Tiền Hải từ năm 2009. Các chương trình, biện pháp hiệu quả của ngành điện trong cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, cải thiện đời sống người dân nông thôn, từ đó rút ngắn tiến trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong huyện.

 

Đảm bảo lưới điện đến với các hộ gia đình

Hơn 3 mẫu đầm của gia đình ông Trần Xuân Hữu, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải trước kia muốn tát đủ nước phải dùng máy bơm dầu, mỗi lần tốn đến 3 triệu đồng cả tiền xăng và tiền thuê máy. Thế nhưng năm 2009, xã chuyển giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý. Điện cấp ổn định, ông Hữu giảm được đáng kể chi phí sản xuất. Sử dụng máy bơm điện, mỗi lần bơm nước ông chỉ tốn chưa tới 150 số điện cho cả khu đầm, vị chi là chưa đến 300 nghìn đồng, giảm gấp 10 lần so với trước. Nhờ thế mà năng suất và hiệu quả canh tác của gia đình ông nâng lên đáng kể. Với 1,5 tạ tôm, 8 tạ cá song và 1,5 tấn cá vược, lợi nhuận từ 3 mẫu đầm này lên tới hơn 100 triệu đồng/năm. Ông Hữu chia sẻ: "Trước kia nếu dùng điện nó chập chờn hoặc người ta chỉ nháy tí thôi hoặc mất 1 phút thì máy tự nhiên dừng, phải trực không cháy máy.... Bây giờ máy tát liên tục suốt như vậy thì mình không cần phải trực. Hơn nữa là điện liên tục như vậy thì tát khỏe máy lắm... Nếu cắt điện thì thông báo trước 2 ngày, tiền điện thông báo trên điện thoại... Dùng điện tát máy nước hay tất cả các thứ quá yên tâm ấy chứ". 

"Ở đây điện phục vụ cho chăn nuôi, phục vụ cho đánh bắt. Nếu mà ngành Điện ổn định thì tiết kiệm nhiều chi phí, bà con sẽ đầu tư vào nuôi trồng thủy sản. Ví dụ nuôi tôm, nuôi cá. Trước kia người ta nuôi 1 vụ tôm chẳng hạn, giờ người ta nuôi thêm 1 vụ cá cua xen canh rồi ngao giống nữa... Thu nhập từ đấy cũng tăng lên". . Bà Trần Thị Kinh, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Nam Cường cũng cho biết.

Trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và đặc thù vùng ven biển, Điện lực Tiền Hải đã quy hoạch cho xã Nam Cường hệ thống điện phân ra các trạm biến áp đảm bảo cân bằng chống quá tải. Ngành Điện cũng thực hiện cải tạo và nâng cấp các điểm xung yếu trên 22km đường dây và thay thế các cột điện xuống cấp lâu năm. Với sự hỗ trợ của ngành Điện, người dân Nam Cường còn tự vận động nhau đóng góp mỗi hộ 300 – 400 nghìn đồng để lắp hệ thống đèn chiếu sáng trên 42 tuyến đường của tất cả các thôn. Điện ổn định đã trở thành động lực tạo nên sự chuyển biến tích cực về mọi mặt của xã Nam Cường. Người dân địa phương nhanh chóng đổi mới tư duy để phát triển kinh tế nhiều thành phần, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng mang lại hiệu quả cao. Đến nay, kết cấu hạ tầng ở địa phương đã dần hoàn thiện. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi đạt hơn 28 tỷ đồng trong năm 2014. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 17,47 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm.

Ông Hoàng Ngọc Sang, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: "Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi cũng làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là an toàn điện và phối hợp với ngành Điện những vấn đề khó khăn của địa phương để cùng có cách tháo gỡ giải quyết; đồng thời trên cơ sở phát triển kinh tế chung của địa phương thì chúng tôi cũng phối hợp với ngành Điện để có chiến lược đầu tư ngắn hạn và dài hạn giúp khi điện chủ động được rồi nhân dân có cơ hội phát triển trong sản xuất và dân sinh".

 Đến nay, 23 xã trên đại bàn huyện Tiền Hải có ngành Điện quản lý lưới điện hạ áp nông thôn đều đã đạt tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới. Việc cải tạo hệ thống lưới điện không chỉ mang lại thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất của người dân. Điện cung cấp ổn định còn góp phần vào thay đổi cuộc sống ở nông thôn về nhiều mặt. Có điện chiếu sáng, hoạt động ở nhà văn hóa, khu thể thao trở nên dễ dàng hơn, người dân tham gia sôi nổi, tích cực hơn. Điện không còn tình trạng chập chờn, lịch cắt điện được thông báo trước đã giúp các trạm y tế, trường học chủ động trong công tác; đồng thời đẩy mạnh được việc đưa các trang thiết bị hiện đại vào sử dụng, nâng cao chất lượng hoạt động.

" Từ ngày điện chuyển về Công ty điện lực quản lý đến giờ, chất lượng điện rất đều, lượng mất điện rất ít, công tác khám chữa bệnh nâng lên.. Ví dụ mùa hè thì đầy đủ ánh sáng quạt điện, mùa đông chúng tôi còn có đèn sưởi cho bệnh nhân. Trong những ca đỡ đẻ đêm, cấp cứu đêm khâu vá mà không có điện chúng tôi cũng không làm gì được... Điện ổn định cũng là 1 nhu cầu và một  phần đóng góp rất to lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong trạm". Bác sĩ Phạm Thị Nhuần, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải nói.

Cách đây 20 năm, hệ thống lưới điện của huyện Tiền Hải được đầu tư xây dựng với nguồn vốn đa phần do nhân dân đóng góp và từ ngân sách địa phương. Do thời gian sử dụng khá dài lại không được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên, nên hệ thống đường dây xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng và sử dụng điện. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tổn thất điện năng cao, chất lượng điện thấp. Năm 2009, Điện lực Tiền Hải tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn. Các tổ chức quản lý lưới điện, chủ yếu là các Hợp tác xã nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với ngành Điện thực hiện kiểm kê, đánh giá lại hệ thống lưới điện thực tế, xác nhận chính xác giá trị thực còn lại, để ngành điện lên phương án tiếp nhận. Đội ngũ cán bộ được tổ chức lại, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện khối lượng điện quản lý ngày càng tăng cao. Song song với các thủ tục hành chính, Điện lực Tiền Hải còn nhanh chóng thực hiện sửa chữa, chỉnh trang lưới điện. Điện lực tiếp nhận đến đâu, hệ thống lưới điện được nâng cấp đến đó. Từ năm 2009 đến nay, Điện lực Tiền Hải đã cải tạo và kéo thêm gần 600.000 km đường dây cho lưới điện hạ áp nông thôn, sửa chữa, thay mới các đường dây cũ nát, hộp công tơ bị vỡ hỏng, trạm biến áp bị quá tải, với tổng kinh phí lên tới hơn 100 tỷ đồng. Đối với các xã ven biển, dễ chịu ảnh hưởng của gió bão, ngành Điện thực hiện thay toàn bộ cáp trần bằng cáp vặn xoắn, đảm bảo an toàn. Trong xây dựng NTM, đối với các xã có cột điện nằm trong phạm vi mở rộng đường giao thông, ngành Điện phối hợp cùng địa phương thực hiện khảo sát lập phương án thi công, cùng người dân tiến hành chuyển đường dây dẫn, hộp công tơ và các thiết bị từ vị trí cũ sang mới, thực hiện đóng cắt điện trước và sau khi dịch chuyển đảm bảo an toàn, đồng thời giám sát, hướng dẫn bà con trong quá trình dịch chuyển cột.

 

 Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải: "Chi nhánh điện Tiền Hải cũng đã hết sức quan tâm đầu tư và trang thiết bị mọi mặt về công tác điện để phục vụ tốt cho công tác sinh hoạt đời sống của nhân dân. Hiện nay, chi nhánh điện cũng dành riêng cho xã Tây Sơn 1 trạm biến thế phục vụ cho trạm bơm, phục vụ công tác tưới tiêu của nhân dân trong xã. Hiệu quả sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt thúc đẩy tinh thần sản xuất 2 vụ lúa của địa phương ngày càng tăng lên, góp phần đảm bảo năng suất trên 110ha/vụ/năm. 

Ông Hà Duy Trượng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quý, huyện Tiền Hải: Chúng tôi phối hợp với ngành Điện làm tốt công tác quản lý Nhà nước về điện trên địa phương, tuyên truyền cho nhân dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng điện cũng như an toàn sử dụng điện. Thứ 3 là chấp hành các quy định pháp luật trong sử dụng điện, đặc biệt Đông Quý là xã nông nghiệp  nên chúng tôi làm nghiêm túc. Hàng năm thông báo Quyết định của UBND xã cấm sử dụng lưới điện để đánh chuột".

Điều dễ nhận thấy khi ngành Điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn là người nông dân được hưởng lợi. Giá điện rẻ, hệ thống lưới điện được nâng cấp, kết cấu hạ tầng nông thôn được hoàn thiện. Đặc biệt, kết quả thể hiện rõ nỗ lực của Điện lực Tiền Hải trong cải tạo lưới điện nông thôn từ năm 2009 đến nay là tỷ lệ tổn thất điện năng ở khu vực giảm đi đáng kể. Nếu như khi mới tiếp nhận, tỷ lệ tổn thất là 28,5%, thì đến nay đã giảm xuống chỉ còn dưới 10%.

Để phát huy tối đa vai trò của ngành Điện trong xây dựng nông thôn mới, còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và của mỗi người dân. Trên địa bàn huyện Tiền Hải, bên cạnh các xã đã phối hợp thực hiện tốt công tác này, thì ở một số địa phương vẫn tồn tại những khó khăn. Ý thức người dân chưa cao dẫn đến việc sử dụng điện còn thiếu an toàn. Các trường hợp sử dụng điện để bẫy chim, bẫy chuột, đặc biệt là thả diều ở khu vực nhiều đường dây điện,... vẫn còn xuất hiện. Cùng với đó là ý thức thực hiện tiết kiệm điện trong gia đình và trong các công trình công cộng tại một số xã chưa cao, chưa được thực hiện triệt để và nghiêm túc.

"Trách nhiệm của Điện lực Tiền Hải chúng tôi là vận động và tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân sử dụng điện hiệu quả tiết kiệm an toàn. Đồng thời tuyên truyền người dân không nên thả diều vào các đường dây cao hạ thế và trạm biến áp làm sao đảm bảo lưới điện vận hành an toàn". Ông Vũ Huy Hà, Giám đốc Điện lực Tiền Hải nói.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Điện lực Tiền Hải tăng cường chỉ đạo đơn vị quản lý lưới điện ở các xã, đẩy nhanh thủ tục đầu tư, tạo điều kiện để các dự án, chương trình, được thi công đúng thời hạn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ ngành điện cũng tăng cường tiếp xúc và làm việc với chính quyền địa phương, tạo sự đồng thuận cao khi vận động người dân tham gia chương trình chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn.

Có thể nói, những kết quả của Điện lực Tiền Hải sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trước hết, đó là sự đổi thay rõ rệt về diện mạo của lưới điện nông thôn, của kết cấu hạ tầng NTM. Chất lượng điện được đảm bảo còn tạo nên những chuyển biến tích cực về sinh họat, sản xuất và mọi mặt đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cùng các cấp, các ngành thực hiện thành công XDNTM.

Hà My

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...