Hơn 2.500 ngày đêm trên chiến trường khốc liệt của một bác sĩ quân y

Thứ 2, 27/04/2020 | 00:00:00
2,315 lượt xem

Chiến tranh đã đi qua, nhưng ký ức về một thời đạn bom, máu lửa, về những khó khăn, vất vả và hiểm nguy ngày ấy vẫn không thể xóa nhòa. Với bác sĩ quân y Đặng Đức Sùng cũng vậy. Ông đã trực tiếp cứu sống và điều trị thành công cho hàng trăm chiến sĩ từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cho đến ngày giải phóng miền Nam.

Sau khi hoàn thành chương trình học quân y năm 1965, bác sĩ Đặng Đức Sùng được cử đi chiến trường miền Nam, tham gia đội điều trị số 13. Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông phục vụ chiến trường Quảng Trị. Tiếp đó, suốt 4 năm từ 1969 đến 1973, ông cùng cả đội di chuyển liên tục tại chiến trường B1 và B3, dựng các bệnh xá dã chiến. Chứng kiến biết bao hi sinh, mất mát, vị bác sĩ này đến nay vẫn không thể nào quên.

 Bác sĩ Sùng chia sẻ: “Có những anh cụt cả 2 chân, có người cụt 1 chân, có người cụt 2 tay, có người bị thương ở đầu không biết gì cả.. Có nhiều trường hợp khênh từ đồng bằng lên chỉ còn da bọc xương thôi.. Nhiều trường hợp chịu đói bao nhiêu ngày, đến khi vào nôn ọe mất nước, rồi chết! Có cậu y tá bị quả bom rơi bên cạnh, làm sập xà ngang, gãy chọc vào người. Cứ kêu các anh ơi em chết mất, em không sống được, cứu em với. Hàng loạt người chạy lên cứu, đưa vào phòng mổ nhưng vẫn chết… Những trường hợp như thế, nhiều lắm, không thể kể hết được!”  


Ở chiến trường ít ai thoát được sốt rét. Những cơn sốt rét rừng bất chợt ập tới khiến người bệnh nguy kịch, lạnh từ trong ra ngoài. Bác sĩ Đặng Đức Sùng cho biết thêm: “Khi đó không có máy hút, mà không hút được đờm ra thì bệnh nhân sẽ tắc thở mà chết. Anh em phải lót vải gạc rồi thò tay vào mồm bệnh nhân, trực tiếp hút ra. Chính bác sĩ, y sĩ, bị lây chéo cũng nhiều.”

Quân y lo lắng, bảo vệ thương binh còn hơn cả tính mạng bản thân. Họ luôn nỗ lực sáng tạo, tự lực thuốc men, dụng cụ y tế để điều trị thành công các vết thương phức tạp. Những thầy thuốc như bác sĩ Đặng Đức Sùng đã vượt lên muôn vàn gian khổ, nguy nan để hoàn thành sứ mệnh của mình. Ông tâm sự: “Mỗi người chỉ được lạng mốt, lạng hai gạo thôi, phải nhường lại cho bệnh binh, phải đi ăn sắn thay cơm. Thậm chí phải đào cả những củ môn, củ thục, nó giống như khoai ngứa để ăn. Động lực của chúng tôi là khi được học tập, nghe đài, biết rằng chỉ có giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì mới không còn những hy sinh gian khổ như vậy. Từ em bé đến các cụ già. Nhất là mấy năm Bác Hồ cứ đến Tết viết thư tặng. Bài của Bác viết là động lực cho anh em phấn đấu. Bộ đội ai cũng thuộc hết.”

Bác sĩ Đặng Đức Sùng trò chuyện với phóng viên

Sau năm 1973, bác sĩ Đặng Đức Sùng được phân công vào Đoàn an dưỡng 153, chăm sóc hơn 500 người từng bị tra tấn tại Côn Đảo và nhiều nhà tù khác. Ông nhớ lại: “Chủ yếu là những người đã đi tù hàng chục năm. Sống trong nhà tù người ta đã kham khổ rồi, chỉ muốn nhanh chóng lấy lại sức khỏe để về. Lúc bấy giờ anh em như người nhà để điều trị, chỉ mong họ bình phục là chúng tôi vui lắm!”     

Hơn 2.500 ngày đêm trên chiến trường khốc liệt, Bác sĩ Đặng Đức Sùng đã tình nguyện hiến dâng cả tuổi trẻ của mình vì hòa bình, vì độc lập tự do. Và những năm tháng hào hùng ấy là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời quân y của ông như trong những dòng thơ ông đã viết: 

Hôm nay về đây giữa tình quê mẹ

 Nhớ bát canh rừng, nhớ trạm hành quân

 Nhớ lúc cứu quân ngồi bên lán nhỏ

 Nghe dạt dào tiếng Bác gọi thiêng liêng

 Tiếng từ thủ đô, tiếng từ trái tim...

Hà My

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...