Lễ hội đền Trần Thái Bình - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ 2, 06/02/2017 | 16:27:50
990 lượt xem

Thái Bình là đất phát tích và hưng nghiệp của nhà Trần, các di tích lịch sử phản ánh về thời Trần và triều đại nhà Trần cũng chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong tổng số di tích lịch sử hiện có ở đây. Các di tích trải rộng trên địa bàn tỉnh và tập trung nhiều nhất tại Hưng Hà. Đó là Khu Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ và Lăng mộ các vua Trần tại làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.

Nghi thức rước nước tại lễ hội đền Trần (Thái Bình).

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, vương triều Trần được biết đến là một vương triều cường thịnh, giỏi trong phát triển kinh tế xã hội, một triều đại thượng võ với nghệ thuật quân sự vượt bậc và những chiến công lẫy lừng của ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.

Trên mảnh đất Hưng Hà, các vua Trần đã cho xây dựng hành cung Long Hưng - nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại và Tam Đường - nơi lưu giữ hài cốt các vị tổ triều Trần như: Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng Hoàng Trần Thừa. Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ của các hoàng đế nhà Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, các hoàng hậu sau khi qua đời đều được đưa về hợp táng tại các lăng mộ có tên Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Quy Đức Lăng.

Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ và Lăng mộ các vua Trần được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ học quốc gia, nơi đây không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu về văn hóa, sử học, khảo cổ học, mà còn là điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo.

Hàng năm, lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 -18 tháng Giêng âm lịch, với nhiều nội dung phong phú và có nhiều nét khác biệt so với địa phương khác, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Lễ hội nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần, là dịp để nhân dân thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tri ân với các bậc liệt tổ, các vị vua, tướng sĩ, hoàng thân quốc thích nhà Trần. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Lễ hội cũng là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách, đồng thời việc tổ chức lễ hội đền Trần đã tạo điều kiện thuận lợi để Thái Bình có thể làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội đền Trần và các di sản thời Trần trên mảnh đất Hưng Hà.

Lế hội bao gồm phần lễ được cử hành trang trọng, uy nghi và tôn kính như: lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước thiêng từ ngã 3 sông Hồng về đền Trần, lễ tế mộ, đặc biệt có lễ bái yết được tổ chức nhằm khôi phục lại nghi lễ xa xưa các vua Trần thường làm lễ bái yết tổ tiên mỗi khi có sự kiện trọng đại… Bên cạnh đó, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với những trò chơi mang đậm tính dân gian như: thi cỗ cá, thi nấu cơm cần, thi vật cầu, kéo co, pháo đất, cờ tướng...

Không chỉ được biết đến là một vương triều với võ công oanh liệt, giỏi đánh giặc, nhà Trần còn để lại cho hậu thế những nét sinh hoạt văn hóa rất riêng biệt, đặc sắc, đó là lễ giao chạ (kết nghĩa anh em) giữa 2 làng Vân Đài (xã Chí Hòa) và làng Tam Đường (xã Tiến Đức) đã tồn tại hơn 7 thế kỷ, lễ rước nước và thi cỗ cá độc đáo thể hiện đậm nét phương thức sống của cư dân vùng sông nước và mang tính nhân văn sâu sắc nhằm giáo dục, nhắc nhở thế hệ sau tưởng nhớ tới thuở hàn vi tổ tiên nhà Trần sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Đây thực sự là những nét sinh hoạt mang giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử không dễ tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước.

Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lễ hội đền Trần đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 231/QĐ-BVHTTDL ngày 27/1/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương đối với lễ hội đền Trần Thái Bình trong nhiều năm qua và cũng là niềm tự hào, nguồn động viên, cổ vũ nhân dân Thái Bình tiếp tục lưu giữ và trao truyền hào khí Đông A, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...