Du xuân trên mảnh đất Thái Bình

Thứ 2, 06/02/2017 | 14:12:06
762 lượt xem

Mùa xuân - mùa của lễ hội, của sự đơm hoa kết trái, của những gì được coi là tinh túy nhất của đất trời. Đến với mảnh đất Thái Bình - nơi có những con người cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động với các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo được phản ánh rõ nét nhất thông qua các lễ hội - du khách thập phương không thể không tham gia hành trình về với các di tích lịch sử.

Hội xuân chùa Keo - Thái Bình.

Từ những ngày tết Nguyên đán đến cuối tháng ba, đầu tháng tư âm lịch, đi trên khắp các nẻo đường quê trong tỉnh thường thấy thấp thoáng bóng cờ hội của các làng.

Đến thời điểm cuối năm 2015, hàng năm Thái Bình có hơn 400 hội làng, trong đó có tới gần 300 làng mở hội xuân từ 3 ngày trở lên.

Trong các hội làng mùa xuân ở Thái Bình có tới hơn 30 tục thi mang đậm sắc thái văn hoá nông nghiệp. Ngoài các tục thi trình nghề như dệt chiếu, dệt vải, xe đay, làm go, làm bánh, làm bún còn có các trò đua tài giải trí như vật cầu, vật ống, bơi chải, bắt chạch, bắt vịt, thả diều, pháo đất, kéo lửa nấu cơm...

Thuở xưa những hội lớn ở Thái Bình là niềm vui say của khách trảy hội với quang cảnh "sáng rối tối chèo". Ngoài ra, mỗi hội lại có những tục thi riêng gắn với huyền thoại về sự tích, hành trạng của vị thánh được thờ và những điệu múa dân gian gắn với nghi thức tín ngưỡng.

Cho đến nay, hội làng mùa xuân ở Thái Bình có tới gần 20 điệu múa dân gian còn được duy trì. Có những điệu múa mang tính phổ biến trong nhiều hội như múa trống trắc, múa sênh tiền mõ lộn, múa lân, múa phượng, múa tứ linh, múa cờ, múa rồng... còn có những điệu múa chỉ trong nghi thức tế thánh ở một số hội như múa quạt, múa đèn, múa dâng hương dâng hoa, múa chèo đò, múa kéo chữ. Có những điệu múa cổ chỉ gắn với nghi lễ trong một hội, gắn với truyền thuyết về vị thần của làng thờ. Ví dụ múa múa ếnh vồ, chèo chải cạn ở hội chùa Keo (Vũ Thư); múa bát dật ở hội làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ); múa giáo cờ giáo quạt ở hội làng Thượng Liệt (Đông Hưng)...

Theo kết quả khảo sát thì chỉ trong tháng giêng ở Thái Bình có hơn 50 hội làng còn duy trì được các trò chơi, các tục đua tài, thi khéo cuả người xưa trao truyền lại. Có khá nhiều làng khai hội vui xuân ngay từ sáng ngày mồng một, mồng hai tết Nguyên đán và đến hết ngày mồng ba, mồng bốn mới dã hội. Xin nêu một số hội làng tiêu biểu ở Thái Bình được khai hội vào những ngày đầu xuân: 

Ngày mồng 2 tết: hội xuân làng Tống Vũ (thành phố Thái Bình) có tục thi nấu cơm với nhiều việc phải  tiến hành đồng thời như giã gạo, sàng sẩy, mò trứng, bắt vịt, leo cây chuối lấy lửa, nấu cơm…

-  Ngày mồng 4 tết: có tới mấy chục làng trong  tỉnh khai hội. Lớn nhất là hội chùa Keo (Vũ Thư)  thường thu hút hàng vạn lượt khách xa gần về trảy hội. Hội làng La Vân (Quỳnh Phụ) với nhiều trò dân gian đặc sắc. Đáng chú ý là tục trình nghề tứ dân (“Sĩ” – “Nông – “Công” – “Thương”).

Tại lễ hội mùa xuân Chùa Keo, không chỉ người dân là con em Thái Bình mà còn rất nhiều du khách gần xa trên mọi miền tổ quốc đều về dự, tham quan và thành tâm kính lễ, tạo nên không khí vui tươi trong những ngày đầu năm mới. Việc được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt năm 2012 đã phần nào khẳng định sự khác biệt có một không hai của ngôi chùa này. Đó là lý do mà ngày càng có đông du khách về trẩy hội và tham quan chùa Keo.

Ngày mồng 6 tháng giêng: Hội Lạng (Vũ Thư) với nhiều trò đua tài, thi khéo mà đặc sắc nhất là tục thi cỗ chay. Hội làng Hới nay (Hưng Hà) có tục trình nghề dệt chiếu gắn với sự lệ thờ Trạng Chiếu.

Ngày mồng 7 tháng giêng: hội làng Tài Giá (Quỳnh Phụ) với tục múa kéo chữ và nhiều trò chơi dân gian khác.

Vật tại đền Hét

Ngày mồng 8 tháng giêng: hội đền Hét (Thái Thụy) với tục thi vật cầu.

Ngày mồng 9 tháng giêng: hội chùa Múa (Vũ Thư) với một đám rước độc đáo, kiệu quay vượt sông.

Ngày mồng 10 tháng giêng: hội làng Thượng Liệt (Đông Hưng) là một trong những hội làng độc đáo gắn với tục múa Giáo cờ giáo quạt. Hội đền Thuận Nghĩa (Thái Thụy) có quy mô lớn như một hội vùng, sôi động với tục đua thuyền và hát văn hầu bóng.  

- Từ ngày 13 tháng giêng âm lịch đến hết ngày 18 tháng giêng âm lịch: Cùng tiếp trên con đường hội xuân về với Thái Bình là tới lễ hội Đền Trần (Tiến Đức - Hưng Hà), được coi là “Nơi linh dị của giang sơn Đại Việt”, cũng chính là nơi phát tích dựng nghiệp của vương triều Trần. Đến với lễ hội đền Trần, du khách sẽ được trở lại không khí thiêng liêng của các nghi lễ phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như tục rước nước, thi cỗ cá... Đặc biệt, từ khi được nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  đã nói lên vị thế và vai trò lịch sử của nhà Trần ở Thái Bình, càng làm cho đền Trần có ấn tượng trong lòng du khách.

Tới Thái Bình, không thể không ghé thăm lễ hội đền Đồng bằng, xã An Lễ, Quỳnh Phụ thờ Đức vua cha Bát Hải Động Đình. Đến đây du khách sẽ bị cuốn hút trước công trình kiến trúc uy nghi, lộng lẫy bên dòng sông cổ đầy ắp huyền thoại, như lạc vào thế giới của hoa lá chim muông, thiên nhiên hùng vĩ mà trầm mặc, ảo ảnh nhưng rất hiện thực dung dị, rất đỗi đời thường từ hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư, các họa tiết cá hoa long, rồng cuốn thủy, sóc nho...

Sau khi về với Cha thì chắc hẳn du khách sẽ muốn ghé thăm đền Tiên La thờ Bát Nạn tướng quân là một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Tại đây lưu giữ rất nhiều đồ tế khí quý giá cũng như sự lộng lẫy về kiến trúc, đồng thời diễn ra rất nhiều hoạt động và các trò vui dân gian thu hút hàng vạn lượt người đến chiêm ngưỡng, tham quan.

Tháng hai và tháng ba âm lịch, số lượng hội xuân ở Thái Bình cũng không kém tháng giêng nhưng lại có một số hội rất đặc sắc như: hội làng Đông Linh (Quỳnh Phụ) mở vào trung tuần tháng 2 với tục gói chiếc bánh chưng nặng chừng hơn 70 kg. Hội làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ) với tục đốt cây đình liệu và  tục múa bát dật. Hội đền Hệ (Thái Thụy) được mở vào ngày 10 tháng 3 thường có tục hát văn, hát chèo, múa rối nước, vật võ.

Hội đền Cửa Lân (Tiền Hải) mở vào 10 tháng 3 với các nghi thức rước nước, hầu bóng, hát văn. Các giá đồng, các đoàn tế nhiều nơi đổ về.

Thế mạnh của du lịch Thái Bình là du lịch văn hoá tâm linh. Hội làng mùa xuân của các làng trong tỉnh là một điểm nhấn của các tuyến du lịch. Việc giới thiệu và quảng bá nét đẹp, nét hay trong từng lễ hội theo niên lịch, theo tua, tuyến là cần thiết để phát triển ngành du lịch vốn đang chưa phát triển tương xứng với tiềm năng ở Thái Bình.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...