Tục “lên lão” đầu xuân

Thứ 5, 11/02/2016 | 18:05:59
6,400 lượt xem

Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, bên cạnh việc thăm hỏi chúc mừng người thân và mừng tuổi cho trẻ em, chúc thọ người cao tuổi,… người dân làng Diệc (xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) thường tổ chức lễ hội lên lão cho nam giới bước sang tuổi 54 tại đình làng vào ngày mùng 3 Tết. Ngày xưa đó là một nghi thức tôn nghiêm trong làng xã, còn ngày nay đó là một nét đẹp văn hóa mà người làng Diệc nói riêng và người dân Tân Hòa, huyện Hưng Hà nói chung còn giữ gìn lại.

Lễ lên lão tại làng Diệc, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà.

“Lên lão” là một từ cũ của người dân nông thôn chỉ những người nam giới trong các làng xã xưa đến tuổi được miễn lao dịch trong chế độ phong kiến thực dân và cũng là tôn vinh người sống thọ. Chẳng thế mà cụ tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến có câu thơ tả cái mong ước nghỉ ngơi của tuổi xế chiều:

“Bao giờ đến bậc ăn dưng nhỉ

Có rượu thời ông chống gậy ra.”

Tục lên lão (hay còn gọi là đăng lão hạ thọ) có ở rất nhiều nơi và mỗi địa phương có hình thức tổ chức khác nhau tùy theo điều kiện và phong tục tập quán của mình. Làng Diệc xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà có tên chữ là làng Mỹ Giặc, có từ bao giờ ít người trong làng nhớ rõ. Chỉ biết, làng giống như dải đất bãi bồi, trước mặt là nhánh sông Hồng chảy qua, sau lưng là sông Luộc và cạnh cắt ngang là sông Trà, tựa hình thang. Từ xưa đến nay, làng Diệc phát đạt nghề trồng trọt, nhất là lúa nước, ngô bãi... Các lão làng tâm sự rằng, dân làng vất vả quanh năm, đàn ông cả ngày quần quật với ruộng vườn, nên ai cũng già trước tuổi. Ngoài cái tuổi 50 đã được coi là sống thọ.

Được cái vào tuổi ấy kinh nghiệm làm ăn thường có thừa, nên dân làng hay gọi là những lão nông, lão làng. Hỏi chuyện làm ăn phải hỏi những lão "trẻ" này mới nên cơ đồ. Quan niệm vậy, nên làng đặt tập tục, đàn ông ai bước sang tuổi 54 âm đều phải tổ chức lễ lên lão.  Mặt khác, theo quan niệm người phương Đông thì trong cuộc đời người có 2 đốt vận hạn lớn ở tuổi 49 và tuổi 53. Ai bước qua được 2 đốt đó coi như hết vận hạn và bắt đầu vào tuổi trường sinh, đáng ăn mừng đã lên bậc lão. Nên tục lên lão ở làng Diệc lấy mốc tuổi là 54 âm để tổ chức cho các “cụ”. Tục này ở làng Diệc ngày trước, tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch nhưng nay do điều kiện con cái trong các gia đình đi làm ăn nên làng đã chuyển ngày sang ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch. Đúng hơn là làng Diệc ngày mùng 3 có hội ăn mừng các "cụ" lên lão. Năm này qua năm khác, tập tục ấy thành nếp không ai bỏ qua được.  Cho biết về tục lên lão của địa phương cụ Đỗ Bình Thập, một trong những lão làng của địa phương cho biết: “ Trước ngày các cụ từ cổ truyền đến giờ vẫn có cái tục lên lão làng. Sở dĩ là cứ qua cái tuổi 49 với 53, bởi vì, ngày trước thường thường tuổi thọ các cụ không cao, cái tuổi 53 với 49 thường không qua được, nên qua được hai cái hạn ấy là sang cái tuổi 54, thì bấy giờ con cháu mới tổ chức ăn mừng. Các cụ làm mấy mâm lễ trước là lễ thánh sau kính dân, và người nọ nối tiếp người kia thành cái tục đến ngày nay.”

Hội lên lão ở làng Diệc được duy trì từ bao đời nay trở thành một nét đẹp không thể thiếu. Dù người sinh sống ở làng hay đi nơi khác sinh sống cũng đều tham gia. Theo các bậc cao niên của làng cho biết thì không ai “trốn chạy” được dù không còn sinh sống lập nghiệp ở làng Diệc, nhưng đã sinh ra ở làng Diệc thì đến tuổi lên lão nhất định phải về làng dâng cỗ, lễ khao làng, khao họ. Khi đã được làm lão thì vai vế và tiếng nói của họ trong làng, trong dòng họ mới có trọng lượng. Thế mới có chuyện, nhiều ngươi đang sống ở nước ngoài, các tỉnh, thành phố khác, đàn ông ai đến tuổi lên lão không về được cũng phải nhờ anh em ruột thịt trong nhà làm cỗ, lễ "trước là lễ thần, sau là kính dân". Do đó, những người đủ tuổi làm lão ở làng Diệc năm nào cũng rất đông, họ đón chờ ngày hội lão với một tâm thế đầy vinh dự và phấn khởi. ông  Trần Tiến Khoát cho biết, người dân trong làng kể lại như sau: “Cái tục lệ từ ngày xưa các cụ để lại, cha truyền con nối theo phong tục tập quán địa phương thì mình qua cái tuổi 53 sang 54 mình làm lễ dâng nhà thánh để mình và gia đình thụ lộc và để nhà thánh ban truyền cho sức khỏe để  mình tiến tới sau này trường thọ. Đó là niềm vui khi mình được làm lão.”

Cũng chung tâm trạng cùng làm lễ lên lão như ông  Khoát, ông  Nguyễn Công Toại nói: “Chúng tôi đến cái tuổi làm lão, chúng tôi cũng rất phấn khởi được hưởng thọ theo chân nối gót các cụ. Mọi thành viên trong gia đình cũng nô nức phấn khởi chuẩn bị để cùng đón mừng tôi được qua cái tuổi 53 sang tuổi 54.

Tuổi già "sống vui khoẻ, sống có ích" là tấm gương cho con cháu noi theo. Hơn nữa đó là các bậc sinh thành ra các thế hệ hậu sinh, trong họ có đầy kho báu kinh nghiệm. Vì vậy, việc “Lên lão” là một mốc son đánh dấu cuộc đời mình với con cháu, với làng xã. Kể từ khi chính thức “ Lên lão” thì người đã lên lão được tham gia vào công việc làng như: Trong ban khánh tiết, tế lễ trong đình làng...... và tham gia một số sinh hoạt khác mà quy ước làng quy định. Vì thế ngày hội lên lão ở làng Diệc tổ chức thật linh đình. Ngay từ chiều mùng 2 tết, không khí chuẩn bị cho ngày lên lão của các cụ đã bắt đầu.

Nét riêng, nét ấn tượng của hội làng lên lão ở làng Diệc chính là mâm cỗ khao lão mới cầu kì làm sao. Mâm cỗ lên lão nhất định phải là cỗ 2 tầng, 8 món, 14 đĩa. Mâm tảng có một đĩa nem thính, thịt gà, hai bát mộc nấu, 4 bát chè đỗ, 1 đĩa mọc hấp gan gà và đĩa xôi. Tầng 2 cỗ là 4 đĩa giò lạc, giò hoa cắt dầy 5 phân, bổ 4. Giò gói ít nhất đường kính đảm bảo từ 14 phân trở lên. Trên cùng là con cá chép rán hình cong như đang nằm võng, miệng ngậm hoa hồng. Nhìn vào mâm cỗ ai cũng có cảm nhận cuộc đời mỗi con người ở đó có vất vả, vui buồn, và cũng có thành đạt, no ấm.

Cái hấp dẫn, ngon và độc đáo đó chính là cách chế biến và trình bày các món cỗ trong mâm lễ khao lão. Từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ cỗ làng Diệc – vốn nức tiếng với nghề mộc truyền thống, đĩa gà lễ sống động như thật, da vàng ươm, mỡ màng, xòe đôi cánh như một con phượng đang nhảy múa, hay đĩa xôi vò vàng ruộm, no đầy dẻo thơm như những con nhộng lấp lánh. Bát chân giò với tạo hình như một con ba ba được trang trí bắt mắt. Và đặc biệt nhất là món cá chép rán còn nguyên vẩy vàng óng với ý nghĩa hóa rồng năm trên cùng. Tất cả với ước vọng chúc người lên lão sống trường thọ, bách niên giai lão.

Ông Trần Đào Tham là một trong ít người có tiếng về làm cỗ lão cho biết về mâm cỗ khao lão cho biết : “Cái mâm cỗ lão thì nhìn chung là  bầy lên sao trông nó vừa đẹp, vừa bắt mắt, từ cái đĩa thịt gà, đĩa xôi vò hay bát chân giò nấu. Còn đĩa cá rán phải không rụng vây, không xước vẩy, không mất da, mất mắt… Và mâm cỗ đẹp nó thể hiện ở con cá đẹp, đĩa thịt gà đẹp, bầy gọn gang, không đầy cũng không vơi và các cụ chấm cỗ lão cũng chỉ cần nhìn vào đó là biết.

Trai làng từ trẻ đến già ai cũng biết làm cỗ, bày cỗ để dâng lễ. Đặc biệt, nghệ thuật rán cá chép nếu không phải trai làng Diệc khó ai biết. Cá kia sao phải cong như mái đình, vàng óng màu lúa đang chín, vảy cá đều tăm tắp không cong vênh, mắt nguyên hình như đang đùa rỡn với sông nước. Chỉ nói riêng việc chọn cá cũng rất công phu. Thường là sau Tết nguyên đán, gia đình nào có người chuẩn bị năm tới lên lão, đi khắp nơi chọn cá chép sống, khoẻ mạnh đem về ao nhà nuôi đến năm sau, chí ít phải nặng 2  kg trở lên. Ngày 30 Tết bắt cá, thả chậu cho cá tự làm sạch.

Rán cá vầng trăng- một nghi thức không thể thiếu trong tục lên lão.

Chiều mùng 2 tết mổ bụng, moi hết ruột, độn lại lá chuối khô đầy như lúc còn ruột rồi khâu lại như còn nguyên vẹn. Cá được đặt lên một chiếc võng tre nhỏ đem ra rán. Nói là rán chứ thực ra là nghệ thuật dội mỡ lên cá cho đến khi cá chín đều toàn thân. Muốn vậy, người ta dùng khoảng 5 lít mỡ lợn đun sôi trên bếp trong một chảo lớn. Cá treo võng giữa chảo mỡ, rồi dùng muôi múc mỡ sôi dưới đều lên mình cá từ phần đầu đến các vây. Cứ thế, rán xong một con cá phải mất khoảng 8 đến 10 giờ đồng hồ. Khi cá vàng óng, mỡ trôi, láng đều mới thôi. Khi đó người ta biết cá đã chín đều thì bỏ ra, dỡ võng bày lên trên mâm cỗ. Ông Trần Đào Tham cho biết thêm về chách chế biến cá cho mẫm cỗ khao lão: “Con cá chép từ 2,5  - 3 kg  đổ lại. Cũng có người người ta làm con cá to nhưng đại thể cỡ cá ấy là vừa. Trước kia, các cụ làm cá trắm đen nhưng bây giờ cá trắm đen nó cũng hiếm mà mặt khác con cá trắm nó hơi dài nên chủ yếu là làm là cá chép. Cá làm cỗ không được rách vây, rụng vẩy, đem bỏ vào nước rửa sạch nó đi, cho nước muối vào ướp cho nó cứng lại rồi rửa sạch hết cái nước muối ấy đi để ráo mới bỏ vào rán. Khi rán phải có một cái quang đỡ, tức là anh muốn cho nó cong theo cái hình như thế nào thì cái quang đỡ ở dưới phải làm theo cái hình như vậy. Cái quang đó gọi là vái võng.

Quá trình rán cá chẳng may bị bong vẩy, nổ mắt cá thì coi như không đạt yêu cầu, phải thay con cá khác. Ông Tham cho biết thêm: Thuật rán cá không chỉ là kinh nghiệm mà hàm chứa nét văn hoá ẩm thực riêng của một vùng quê như làng Diệc.

Đúng 5 giờ sáng mùng 3 Tết, cửa miếu mở, tất cả những người làm lão lần lượt dâng cỗ. Trưởng tràng (hay còn gọi là người đứng đầu trong số những người lên lão) cùng các bô lão làm lễ cúng thần làng. Sau đó đến lễ chùa, lễ đình. Lễ xong nhà nào về nhà đó khao làng, khao họ. Các bậc lên lão từ nhiều năm nay được phân công đến từng nhà hưởng lộc, chia vui. Cụ Đỗ Bình Thập cho biết thêm: “ Các cụ sau khi được lên lão đều có đóng góp vào việc thông tu lại các công trình của làng như đình chùa, miếu mạo hay như bây giờ là đường nông thôn mới, nhà văn hóa thôn… Quỹ đó gọi là quỹ công của những lão làng. Và sau khi được làm lão thì người ta căn cứ vào những người làm lõa mà cắt cử vai vế cũng như nhận các trọng trách trong các việc làng, việc họ. Riêng trưởng tràng, tức là người anh cả của khóa lên lão năm đó bất kể công việc gì cũng được xắp xếp là bậc cao nhất trong khóa lão đó. Có các cụ đứng thứ 2, thứ 3 giúp đỡ, hỗ trợ các phần việc chung. Còn nếu ai không tham gia làm lão thì đều không được tham gia tiến cử trong các công việc làng, sau này cũng ảnh hưởng đến con cháu.

Cứ như vậy ngày mùng 3 Tết cả làng Diệc như ngày hội mừng cho làng có thêm các bậc lão gìn giữ gia phong làng Diệc. Lên lão - đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên, cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước có sau với người đời, với xã hội cộng đồng, đồng thời động viên người cao tuổi tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...