Giá trị văn hoá truyền thống làng Nguyễn

Thứ 4, 05/08/2015 | 08:28:03
2,231 lượt xem

Làng Nguyễn (hay Nguyên Xá) nằm ở trung tâm huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, giữa ngã ba Quốc lộ 10 và đường 36A - là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hoá truyền thống mà biết bao học giả đã dày công nghiên cứu.

Làng Nguyễn thuộc loại hình "làng lấy họ làm tên". Theo các tài liệu khoa học, hiện nay ở miền Bắc có tới 192 họ được dùng để đặt tên cho làng. Ở Thái Bình có tới 3 trường hợp làng có tên là làng Nguyễn, đó là: làng Nguyễn ở Đông Hưng, làng Nguyễn ở Vũ Thư và làng Nguyễn ở Quỳnh Phụ. Riêng làng Nguyễn ở Đông Hưng, theo thống kê của xã thì ở đây có tới 25 họ Nguyễn (chiếm 90% tổng số họ trong làng). Qua các giai đoạn lịch sử, tên thôn trong làng thay đổi nhiều nhưng tên làng Nguyễn vẫn được giữ nguyên, chứng tỏ dù nơi đây là tổng hợp của nhiều dòng họ khác nhau nhưng người dân luôn ý thức chung về một họ Nguyễn - đó là một nét đặc sắc hiếm có mà không phải làng nào cũng có được.

Và cũng như bao làng quê khác của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung và Thái Bình nói riêng, nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi với nghề trồng lúa nước truyền thống có tự ngàn đời nay đã tạo nên một diện mạo văn hoá làng Nguyễn rất đặc sắc.

Cây pháo bông, pháo đất của làng từ xa xưa đã đi vào tiềm thức hội hè của nhân dân trong vùng. Chính cây pháo bông đã tham gia phụ hoạ làm phong phú thêm các tiết mục rối nước làng Nguyễn. Bên bờ ao nơi biểu diễn rối nước, những chùm hoa cà, hoa cải đủ màu sắc bay lên cao vút rồi toả ra xa, làm cho sân khấu rối càng thêm sinh động.

Từ những hương liệu đồng quê như thóc gạo, lạc, gừng… những con người tài hoa nơi đây đã làm nên một sản phẩm nổi tiếng, đó là "bánh Cáy". Đã có những câu ca truyền tụng rằng: "Nguyên Xá cây bông… Nguyên Xá bánh cáy". Ngoài ra còn phải kể đến: mạch nha, cốm Nguyễn, lụa Nguyễn… mặc dù sau bao thăng trầm của lịch sử, nghề lụa làng Nguyễn đã theo cha ông đi vào lòng đất, nay chỉ còn vang bóng.

Đặc biệt chiếm một vị trí độc tôn trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người dân nơi đây, hay nói cách khác, nơi đây chính là quê hương sản sinh ra một loại hình nghệ thuật điêu luyện: Nghệ thuật múa rối nước.  Người dân nơi đây gọi rối nước là trò "ổi lỗi". Hiện nay chưa có một tài liệu nào ghi chép rõ thời điểm ra đời của nó, chỉ biết từ khi thành lập làng xã, nhân dân trong vùng đã biết biểu diễn trò múa rối nước sau những đợt thu hoạch lúa hoặc những ngày hội hè, đình đám, lễ kỳ an…

Làng Nguyễn xưa có bảy phường hội múa rối nước: Bắc Lạng, Tây trong, Tây ngoài, Tăng - Phú Lương, Tuộc - Phú Lương, Đống - Đông Động, Kỳ Hội - Đông Hà. Hiện nay, chỉ còn lại một phường đang hoạt động trên cơ sở sự sát nhập của 3 phường: Tây trong, Tây ngoài và Bắc Lạng.

Sơ lược lịch sử rối nước làng Nguyễn có thể khái quát lại thành bảng sau: 

Trước 1945

3 phường:  Tây trong, Tây ngoài, Phường Bắc

1945

Phường Bắc

1957

- Tổ chức lại phường cũ

- Thành lập phường Đông

1958

Hợp nhất 2 phường đi thi ở Hà Nội và tham gia hội diễn toàn quốc

1961

Hợp nhất phường rối thành 3 đội chèo: Đà Giang, Nam Ninh, Đông Khê

1963

Đi thi ở Hà Nội

1964

Đi thi ở hội nghị múa rối toàn miền Bắc

1970

Tham dự hội nghị học thuật múa rối ở Hà Nội

1984

Cùng đoàn múa rối toàn quốc đi biểu diễn ở CHDC Đức cũ, CHLB Đức, Pháp, Ý

(Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Hồng)

Ngày nay, phường rối nước làng Nguyễn đã phát triển thêm những bước cao mới, đạt được nhiều thành tựu lớn. Bên cạnh những tích trò xưa cũ mà ông cha truyền lại, đã ra đời nhiều tiết mục mới phong phú và đặc sắc hơn. Nhiều đoàn văn hoá nghệ thuật nước ngoài sang thăm nước ta đều dành thời gian về đây nghiên cứu. Các đoàn múa rối nước làng Nguyễn cũng mở rộng phạm vi biểu diễn của mình nhiều hơn. Từ những thành công được đánh giá là mang lại dấu ấn sâu sắc đầu tiên từ vở "Thi hoá rồng", sân khấu rối nước làng Nguyễn đã bước vào hoạt động chuyên nghiệp, với sự tham gia của nghệ thuật biên kịch, nghệ thuật tạo hình trang trí, nghệ thuật âm nhạc và nghệ thuật diễn xuất sân khấu hiện đại - đó là nền tảng cho sự phát triển của nghệ thuật rối nước của dân tộc./.

Phan Hà (Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch Thái Bình)


 

 

 


  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...