Thật giả ông đồ thời @

Thứ 6, 06/02/2015 | 08:39:29
1,107 lượt xem

Sau lượt lai kinh ứng thí không xuôi chèo mát mái (ba trúng bảy trượt) của cánh ông đồ ngoại tỉnh, tới thành viên các CLB thư pháp Hà Nội xung trận. Văn Miếu sáng 5/2 lại rộn ràng bút lông, mực tàu, giấy xuyến, lần này cũng có tới non nửa ông đồ dẫm phải vỏ chuối.

Cuộc thi sát hạch các ông đồ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) sáng 5/2. Ảnh: Như Ý.
Cuộc thi sát hạch các ông đồ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) sáng 5/2. Ảnh: Như Ý.

Nỗi lo học trò

Trời mưa rét. Tới cổng Văn Miếu gặp mấy cụ đầu râu tóc bạc vừa đi vừa tranh luận về cái món thi cử đột xuất này. Có cụ nghĩ đương nhiên: năm ngoái đã ngồi hồ Văn thì năm nay cứ hồ Văn mình ngồi.

Vì lẽ đó, ngoài trời lạnh mà không khí nhà Thái học nóng quá cỡ sau khi BTC công bố thể lệ cuộc thi. Mỗi cụ một nhời, nhiều bậc “cự nho” trên chục năm cầm bút cho chữ không muốn tin mình vẫn phải qua kỳ sát hạch để được công nhận.

“Phải từng bước phục hồi văn hóa xin - cho chữ, đừng bào mòn mấy con chữ kiểu phúc, lộc, tâm, nhẫn. Đất thần kinh nghìn năm văn hiến đâu chỉ có ngần ấy. Hội chữ xuân cũng chẳng là nơi phân lô bán hàng, phải làm văn hóa trước”. 

Thư pháp gia Lê Quốc Việt

Ông Nguyễn Hữu Đệ (CLB thư pháp Hương Nam) “đòi” phải có đề cương, giới hạn nội dung kiểm tra vì chữ Hán quá nhiều và khó, đồng thời chỉ kiểm tra người mới học còn các cụ thì miễn. Cụ Vũ Ngọc Kỳ “cướp” diễn đàn, chê đôi câu đối sau lưng mấy vị giám khảo sai niêm luật, yêu cầu phải dùng mực tàu giấy đỏ chứ viết trên giấy xuyến chỉ không đúng phong thái ông đồ. Còn người đề nghị được mang “phao” (từ điển) vào phòng thi với một nỗi lo âu rất học trò.

Cụ Hiển (CLB Unesco) ôm quyển từ điển dày cộp, tranh thủ ôn tập, phân bua: “Có những chữ cả chục năm không động đến. Đề thi kiểu này đòi hỏi hiểu cả ngữ lẫn nghĩa. Như chữ “du” có 34 chữ, biết viết “du” nào, chữ “tứ” cũng có cả chục. Không cho giở sách khác nào đánh đố nhau”.

Thế nên chuyện phòng thi mới đủ hỉ, nộ, ái, ố. Có người nhận giấy vẫy bút, viết ào cái xong. Người thì cẩn trọng viết nháp, soi đèn định khung. Có “thư pháp gia” trung niên viết xong, cười khì một cái: “Rét quá, sổ nét như giun kim”.

Quay bài (từ điển, smartphone), gà bài, thậm chí cả ném bài. Giám thị nhắc vài lần không được, phải đánh dấu bài. Lúc biết trượt, các cụ đành tự trách mình chứ trách ai nữa. Dù lắm ý kiến: chúng tôi già rồi, lúc nhớ lúc quên, đề nghị châm chước. Hoặc phàn nàn: giấy mỏng khó viết.


Các ông đồ trong phòng thi sáng 5/2 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Như Ý.

Cái tâm của người làm thư pháp

“Những người làm thư pháp phải nhu tính, đàng hoàng” - nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh nói - “Mình biết ít thì nhận ít, để cầu tiến. Còn chuyện giấy viết, đã phục vụ khách phải viết được trên mọi loại giấy”.

Ông Trần Quốc Chí, Phó Chủ nhiệm CLB thư pháp Unesco cũng cho biết: “Cái đích cuối cùng của thi tuyển là bảo vệ người tiêu dùng, cũng là bảo vệ các ông đồ chân chính. Các cụ cũng có động lực để tự nâng tầm”.

Quả đúng thế. Gần trưa vẫn rét dù ngớt mưa hửng nắng nhưng các cụ thi xong không buồn vào nhà vì bận ngồi ghế đá tranh biện chiết tự với độ hăng hái thấy rõ, khác hẳn với những bồn chồn lúc đầu.

Họa sĩ kiêm thư pháp gia Lê Quốc Việt: “Phải từng bước phục hồi văn hóa xin – cho chữ, đừng bào mòn mấy con chữ kiểu phúc, lộc, tâm, nhẫn. Đất thần kinh nghìn năm văn hiến đâu chỉ có ngần ấy. Hội chữ xuân cũng chẳng là nơi phân lô bán hàng, phải làm văn hóa trước”.

Đây dĩ nhiên là quan điểm của nhiều người. Như hai chàng trai Vũ và Quý, lặn lội xe đò từ Đà Nẵng ra đây chỉ để giới thiệu phong cách thư pháp quốc ngữ thi họa miền Trung. Trúng tuyển, vui, rồi băn khoăn tính cách tham gia hội chữ kéo dài cả tháng thông Tết Nguyên đán.

Cậu học sinh chuyên ngữ Nguyễn Tô Tâm An xin nghỉ buổi học sáng để tháp tùng bố đi thi, sau nổi hứng tham gia luôn. Kết quả cả hai cùng đỗ. Đặc biệt An (18 tuổi, thí sinh trẻ nhất) lọt vào top 4 người xuất sắc nhất mảng Hán-Nôm.

Gần 90 ông đồ, tròn năm chục bản thư pháp đường đường chính chính qua cửa sát hạch. Ngoài những người “chữ tác đánh hẳn chữ tộ”, phần còn lại nằm trong diện xem xét. Sau hồi luận bàn, BGK quyết định “vớt” 4 người để đảm bảo các ông đồ đã ngồi lều phải “chuẩn chỉ” trình độ. Ai chưa đạt, mời về nhà luyện tiếp, sang năm lại thi. 

Để người dân tới Hội chữ xuân Ất Mùi “rinh” được chữ đúng, đẹp về nhà, BTC phải thi tuyển “ông đồ”. Đợt đầu (31/1) chỉ 12 trong 49 ứng viên “trúng”. Đợt này khá hơn, có 54/87 người trúng. Gom hai đợt cộng thêm những người miễn thi nhờ tác phẩm được chọn triển lãm, năm nay sẽ có chừng hơn trăm ông đồ ngồi hồ Văn. 

Tienphong.vn


  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...