Có tiền, vẫn khó tu bổ di tích

Thứ 5, 30/10/2014 | 08:24:54
1,124 lượt xem

Hiện nay, nhiều di tích (DT) đang gặp khó khăn trong công tác bảo tồn do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, có không ít DT đang trong tình trạng xuống cấp, hoặc bị xâm hại trong khi kinh phí cho việc tu bổ không hề thiếu.


Sai phạm tại di tích lăng mộ Ngô Quyền (Sơn Tây – Hà Nội) 
là minh chứng cho sự lãng phí trong việc tu bổ di tích
Biến tướng từ mô hình xã hội hoá
Theo Cục Văn hóa cơ sở (BộVHTT&DL), mỗi năm có khoảng 200 - 300 DT được tu bổ từ nguồn vốn xã hội hóa với mức đầu tư trung bình 2 - 3 tỷ đồng cho một DT. Do kinh phí tu bổ DT rất tốn kém, trong khi nguồn ngân sách lại hạn chế, số lượng DT cần tu bổ lớn nên xã hội hóa là giải pháp tối ưu. 
Nhờ đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa nên đến nay, tại Hà Nội nhiều DT đã được tu bổ, tôn tạo xứng tầm, điển hình là đền Voi Phục, đền Quán Thánh (quận Ba Đình); đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Nhà lưu niệm Bác Hồ (huyện Thạch Thất)... Có những công trình được đầu tư với 100% kinh phí là do cộng đồng đóng góp như: công trình lăng và đền bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) với kinh phí 14 tỷ đồng; công trình phục dựng chùa Ðô tại xã Trung Màu (huyện Gia Lâm) có kinh phí lên tới 15 tỷ đồng... Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, phương thức xã hội hóa cũng bộc lộ một số bất cập. Nhiều DT sau khi tu bổ đã bị biến dạng nghiêm trọng, điển hình như chùa Võng Thị (Hà Nội), đền thờ Sĩ Nhiếp (Bắc Ninh), chùa Nôm (Hưng Yên)... 
Ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) lý giải, có trường hợp người dân, tổ chức quyên góp số tiền rất lớn nhưng yêu cầu Ban quản lý DT phải tu bổ DT theo ý chủ quan. Do DT đã xuống cấp, cộng với những khó khăn về kinh phí nên nhiều nơi đã chấp nhận đánh đổi, làm mới DT. Ông Hùng khuyến cáo, đối với các DT được trùng tu từ nguồn vốn xã hội hóa, cơ quan chủ quản cần hết sức lưu ý, tránh biến tướng gây hư hại DT. "Nhiều người rất sẵn lòng góp tiền để tu sửa nhưng lại không có chuyên môn, họ chỉ nghĩ đơn thuần là làm cho DT khang trang hơn mà không nghĩ rằng, đó là làm hại DT”, ông Hùng cho biết. 
Đầu tư sai mục đích
Điều đáng nói, những bất cập, sai phạm trong việc trùng tu DT còn xảy ra đối với các DT sử dụng nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách, từ việc chậm trễ trong phê duyệt, cấp kinh phí đến sử dụng nguồn kinh phí, sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Điển hình như trường hợp trùng tu, gây biến dạng chùa Sổ (Hà Nội) khiến dư luận bức xúc vừa qua. Dự án được phê duyệt với tổng kinh phí vào khoảng hơn 20 tỷ đồng, nhưng tại thời điểm hạ giải phần Tam bảo, Ban quản lý chùa mới được cấp khoảng 4 tỷ đồng để thực hiện. Trong khi đó, theo đại diện lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội, ngay sau khi phê duyệt dự án, toàn bộ nguồn kinh phí đã được chuyển về UBND huyện Thanh Oai không thiếu một đồng. 
Tương tự, đền Bà Triệu (Thanh Hóa) là DT lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nơi tôn vinh anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh đang được đầu tư tới hơn 1.500 tỷ đồng để tiến hành trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, vừa tiến hành chưa được bao lâu, dự án này đã xảy ra nhiều vấn đề khi thủ từ tự ý cho xây dựng đền Mẫu, đưa tượng phật Địa Mẫu và tượng voi vào DT, việc tu bổ lại cổng Tam Quan (đền Nưa) không bảo đảm yếu tố nguyên gốc... 
Để được trùng tu, tôn tạo, các DT do ngân sách đầu tư phải thông qua một quy trình khá chặt chẽ, đặc biệt là với các DT được tu bổ từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (Chương trình MTQGVVH). Tuy nhiên, tại sao hàng loạt các DT được tu bổ nằm trong diện này vẫn tồn tại nhiều sai phạm? Các quy trình kiểm soát trên thực tế liệu có nghiêm ngặt? Những câu trả lời đều từng được tìm thấy qua báo cáo kiểm toán Chương trình MTQGVVH giai đoạn 2006 - 2010. Cụ thể, hầu hết các địa phương được kiểm toán đều có sự điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác không đúng theo thông báo hướng dẫn của Bộ VHTT&DL. Thậm chí, còn có hiện tượng sử dụng sai mục đích cấp kinh phí cho các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế...
Hiện tại, Chương trình MTQGVVH giai đoạn 2012 - 2015 đang được triển khai. Chương trình sẽ đầu tư chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết trên 1.000 DT quốc gia với nguồn kinh phí dự kiến thực hiện dự án là 5.162 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp 3.512 tỷ đồng; huy động từ các nguồn xã hội là 1.650 tỷ đồng. Tuy nhiên, sử dụng những nguồn lực đầu tư trên vào công tác bảo tồn, trùng tu DT sao cho hiệu quả đó là yêu cầu, trách nhiệm đặt ra với các cơ quan chức năng, cũng như sự giám sát của cả cộng đồng trong vấn đề này.
Vũ Trần
Daidoanket.vn


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...