Ðịnh hướng, nội dung xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam

Thứ 4, 27/08/2014 | 11:15:37
1,646 lượt xem

Thực tiễn văn học, nghệ thuật (VHNT) từ sau chiến tranh (năm 1975), đặc biệt từ đổi mới đến nay đã và đang có sự chuyển biến không ngừng, vừa nhanh chóng, vừa phức tạp, có rất nhiều điều mới mẻ. Thực tiễn đó đòi hỏi sự tổng kết và phát triển của lý luận văn nghệ.Giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động trực tiếp đến sáng tạo nghệ thuật, đến các khuynh hướng lý luận văn nghệ ở nước ta. Kế thừa di sản của cha ông trong quá khứ và tiếp thụ tinh hoa thế giới như thế nào để xây dựng một nền nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một yêu cầu cấp bách.

 Chương trình nghệ thuật chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do diễn viên Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn. Ảnh: ĐỨC ANH

 
 
Chương trình nghệ thuật chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do diễn viên Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn.
Ảnh: ĐỨC ANH
Những định hướng chính

1. Cần bám sát thực tiễn mới của VHNT Việt Nam, đặc biệt từ đổi mới đến nay, nhận định, đánh giá tình hình biến động, phát triển của nó, cố gắng tổng kết thực tiễn làm cơ sở cho nghiên cứu những vấn đề lý luận văn nghệ. Trong đó, chú trọng phân tích đặc điểm mới, nội dung mới và sự xuất hiện các khuynh hướng, các trào lưu mới (nếu có); quan tâm đến sự biến đổi của các loại hình VHNT truyền thống trong điều kiện mới, những thách thức mới và vị trí, vai trò của nó như thế nào trong xã hội hiện đại.

2. Phân tích, làm rõ thực trạng phát triển, biến đổi của lý luận VHNT từ đổi mới (năm 1986) đến nay (có so sánh với các giai đoạn trước đổi mới). Cần đánh giá đúng thành tựu và làm rõ những hạn chế; phân tích, làm rõ những vấn đề lớn còn các ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, những vấn đề còn "bỏ ngỏ", né tránh. Giới thiệu, phân tích sâu sắc những học thuyết mới, cả tính tích cực lẫn tiêu cực, cả cái hữu dụng lẫn cái cần phê phán, loại bỏ, nhằm loại bỏ sự mơ hồ về nhận thức và lập trường.

3. Xác định những nhân tố tác động đến lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ giao lưu và hội nhập quốc tế. Ðó là sự hình thành và phát triển xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế - môi trường mới của văn hóa, VHNT; là tác động của các trào lưu tư tưởng, lý luận đương đại vào đời sống văn nghệ và lý luận văn nghệ; giao lưu văn hóa, toàn cầu hóa và những tác động đa chiều, phức tạp của nó; tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ.

4. Quan điểm định hướng của Ðảng về VHNT và vai trò của nó đối với sự phát triển của lý luận văn nghệ ở nước ta.

Cần đồng thời phê phán hai khuynh hướng: đối lập giữa hai lĩnh vực đó hoặc coi quan điểm, đường lối văn nghệ của Ðảng đã là hệ thống lý luận văn nghệ.

Xử lý biện chứng, khoa học mối quan hệ bên trong quá trình xây dựng hệ thống lý luận VHNT Việt Nam. Làm sáng tỏ các quan điểm cơ bản và sự phát triển tư duy lý luận về văn hóa, văn nghệ của Ðảng qua các thời kỳ. Xác định tư tưởng triết học, mỹ học Mác - Lê-nin; đường lối văn nghệ của Ðảng; tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ là cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Nhận định, nghiên cứu về những vấn đề đặt ra trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và quản lý nhà nước về VHNT.

5. Tiếp thu có chọn lọc và phát triển tư duy lý luận văn nghệ truyền thống trong lịch sử dân tộc.

Dự kiến những nội dung cơ bản trong hệ thống lý luận VHNT Việt Nam

Trong các nghị quyết của Ðảng, gần đây nhất là Nghị quyết trung ương 9, khóa XI, đều xác định việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài; do đó cần phải có từng bước đi thích hợp, cần thường xuyên được phát triển, hoàn thiện. Vì vậy, các nội dung mà chúng tôi đề xuất dưới đây có thể coi như những dự kiến ban đầu, sẽ được bổ sung, điều chỉnh trong quá trình nghiên cứu.

Những vấn đề mà lý luận phải giải quyết một cách thấu đáo gồm:

1. Vấn đề bản chất của VHNT: Phải trả lời được những câu hỏi bản chất xã hội của VHNT là gì; quan hệ cơ bản của chúng đối với đời sống xã hội như thế nào. Từ việc xác định bản chất mà định ra phương pháp luận nghiên cứu, phê bình.

2. Các thuộc tính của VHNT: Cần nêu và đi sâu phân tích các thuộc tính của VHNT và quan niệm giữa chúng với nhau. Làm rõ những nhận định mới về các thuộc tính của VHNT (tính dân tộc, tính người, tính nhân loại...).

3. Ðặc trưng của VHNT: Phân tích, làm rõ đặc trưng của VHNT dựa trên kết quả nghiên cứu mới, có độ tin cậy cao của khoa học hiện đại, mỹ học đương đại; phân tích các đặc trưng chung của VHNT nhìn từ góc độ mỹ học; phân tích các đặc trưng, đặc thù riêng biệt của từng loại hình nghệ thuật (văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh) (chú ý: nghệ thuật truyền thống); giới thiệu, phân tích đặc trưng của các loại hình nghệ thuật mới.

4. Vấn đề chức năng của VHNT - Vai trò của VHNT trong xã hội hiện đại và con người đương đại: Cùng với việc trình bày các quan niệm truyền thống về chức năng của nghệ thuật; tính đa chức năng của nghệ thuật và sự tác động tổng hợp của nó đối với con người; lý luận phải xác định rõ nội hàm và quan hệ giữa các chức năng của văn học nghệ thuật như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp, dự báo, phản biện... và một số đề xuất mới về chức năng của nghệ thuật; phân tích đặc thù tác động của các chức năng trong các loại hình nghệ thuật khác nhau: Văn học, nghệ thuật không gian, nghệ thuật thời gian, nghệ thuật tổng hợp.

5. Quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Các phương thức tồn tại, truyền bá các tác phẩm VHNT trong xã hội hiện đại: Trong nội dung này, ngoài việc đi sâu hơn các vấn đề mà lý luận truyền thống đã có thành tựu như cá tính sáng tạo, quy luật, quá trình hình thành sáng tạo tác phẩm...; còn cần đặt VHNT trong hệ thống thị trường và công nghiệp văn hóa; nghiên cứu vai trò của Ðảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với sự phát triển VHNT (chỉ đạo, quản lý, hỗ trợ, bảo trợ, tài trợ, tổ chức...); vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại.

6. Vấn đề các trào lưu và phương pháp sáng tác nghệ thuật: Cùng với việc tổng kết các trào lưu và phương pháp sáng tác nghệ thuật trong lịch sử nghiên cứu nghệ thuật; làm rõ vai trò của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa trong VHNT Việt Nam những năm qua, hiện nay và tương lai; đồng thời ghi nhận, đánh giá sự phát triển đa dạng các khuynh hướng, trào lưu sáng tác trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế; giới thiệu, đánh giá khái quát những khuynh hướng hiện đại và vấn đề hậu hiện đại.

7. Tiếp nhận tác phẩm VHNT và vấn đề giáo dục thẩm mỹ trong xã hội hiện đại. Trong phần này, cần làm rõ những nhận thức mới về vấn đề tiếp nhận nghệ thuật; quan hệ biện chứng giữa nghệ thuật và xã hội hiện đại; đặc điểm, sự biến đổi sâu sắc của công chúng nghệ thuật thời kỳ hiện đại và vai trò của họ đối với VHNT; những yêu cầu mới và vấn đề giáo dục thẩm mỹ, nâng cao năng lực, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Những nội dung cơ bản mà chúng tôi nêu ra trên đây, có thể sẽ được triển khai theo nhiều hướng khác nhau, bởi các tác giả và tổ chức khác nhau.

Tất cả vì sự nghiệp phát triển của nền văn nghệ nước nhà. Và mỗi người, mỗi lĩnh vực đều vì sự phát triển và phồn vinh của đất nước.

GS, TS Đinh Xuân Dũng

Theo: Nhandan.com.vn

 

 

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...