Nỗ lực đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp

Thứ 5, 21/08/2014 | 18:00:02
1,176 lượt xem

Từ ngày 26 đến 29-8, Viện Âm nhạc Việt Nam sẽ phối hợp Sở VHTTDL 12 tỉnh, thành trong cả nước tổ chức "Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014”. PV Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - Tổng đạo diễn, cố vấn chuyên môn của Liên hoan.

 

 PV: Thưa ông, sau 4 lần tổ chức và cũng như đánh dấu 5 năm Ca trù chính thực được UNESCO ghi danh vào danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp”, Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 sẽ có những điểm nhấn nào để ghi nhận sức sống của di sản?
Nhạc sĩ ĐẶNG HOÀNH LOAN: Liên hoan Ca trù 2014 sẽ tập trung giới thiệu các thế hệ nghệ nhân, nghệ sỹ kế cận. Cũng có nghĩa là liên hoan sẽ vắng bóng các nghệ nhân lão thành trên sân khấu và thay và đó là một lực lượng hùng hậu, những nghệ sỹ, nghệ nhân trẻ kế cận. Theo tôi, điều này đã thực sự đánh dấu sự chuyển mình của ca trù từ không đến có. Vì nếu năm nay chúng ta lại tiếp tục tổ chức theo nguyên mẫu của những năm trước đó là nghệ nhân, không gian văn hóa cũ thì thật khó để đánh giá chính xác được sự phát triển, tồn tại của nghệ thuật ca trù trong cuộc sống hiện tại.
 Tôi rất tiếc liên hoan lần này chỉ tổ chức có 3 ngày. Và cũng rất tiếc là do hạn hẹn thời gian nên 26 đơn vị tham gia thì mỗi đoàn chỉ được có 30 phút cho phần trình diễn của mình. Đặc biệt, khác với các liên hoan trước thường chỉ trình diễn có 4 thể cách thì lần này có đến 5 thể cách mới và vô cùng phức tạp trong đó phải nói đến thể ngâm vọng. Bởi ngâm vọng hầu như đã chìm lắng trong đời sống ca trù khá lâu.
 Ông đánh giá thế nào về công tác đào tạo lực lượng kế cận trong 5 năm qua?
 -Từ năm 2002, khi Quỹ Ford tài trợ cho chúng ta tổ chức các lớp dạy ca trù trong 3 tháng. Và đây cũng là lớp nghệ nhân ca trù đầu tiên được đào tạo chính thống. Sau 2 năm, những học viên của khóa học này đã tham gia và khẳng định mình tại 2 cuộc liên hoan ca trù lớn tại Hà Tĩnh và Hà Nội. Đánh giá về lớp học viên này chính GS Trần Văn Khê đã khẳng định "Cây đã nẩy mầm”.
 Sau khi Ca trù được UNESCO vinh danh, chúng ta mở một số lớp đào tạo ca trù và phát huy rất tốt trong việc truyền dạy. Rất nhiều học viên sau khi trở về địa phương đã làm công tác giảng dạy, truyền tải lại cho thế hệ sau rất tốt. Thời gian tới, chúng ta cần mở thêm nhiều lớp truyền dạy hơn nữa. Chúng tôi gọi đó là các lớp giáo sinh vì qua đó chúng ta sẽ có một kế cận lực lượng hùng hậu không chỉ trong việc trình diễn và còn trong công tác giảng dạy. Qua đó việc tuyên truyền sẽ hiệu quả và  đưa nghệ thuật đến gần hơn vào trong đời sống. Không có họ thì không có ca trù trong thời điểm này.
 Tuy nhiên, các lớp giáo sinh ca trù này mới chỉ được tổ chức trong thời gian ngắn chỉ có 15 ngày. Theo tôi, các lớp này nên tổ chức thường xuyên, chuyên sâu trong thời gian khoảng 3 tháng, khi đó chất lượng sẽ nâng lên cao hơn. 
 
 
Ca trù đang kỳ vọng có một lực kế cận hùng hậu và chất lượng
 
Có một thực tế đáng buồn là hiện những nghệ nhân cao tuổi- lực lượng góp phần đáng kể trong việc truyền lửa di sản thì dường như đang bị bỏ quên. Phải chăng chúng ta đang thiếu những chính sách chăm lo về đời sống cho họ?
 - Điều này chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần cần phải có những chính sách hỗ trợ nghệ nhân. Chúng ta biết rằng trong hồ sơ đăng ký quốc gia có một nội dung đăng ký rất quan trọng đó là "Hỗ trợ đời sống nghệ nhân để nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật của mình cho cộng đồng”. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có một chính sách nào hỗ trợ cho nghệ nhân giống như trong cam kết tại hồ sơ quốc gia. Hỗ trợ ở đây không có nghĩa là trả lương, mà chúng ta phải tổ chức nhiều lớp đào tạo để các nghệ nhân trở thành bậc thầy và nghệ nhân được hưởng những thù lao đào tạo. Đó mới chính là những hỗ trợ tích cực nhất.
 Chỉ biết rằng, hiện nay rất nhiều nghệ nhân cao tuổi sống vô cùng nghèo khó. Họ không có bảo hiểm xã hội. Hiện nay với nghệ thuật Ca trù cũng chỉ còn 2 người là cụ Nguyễn Phú Đệ và Nguyễn Thị Khướu. Bên cạnh đó là chúng ta chưa có những kế hoạch cụ thể, đặc biệt tại 22 tỉnh thành phố có lưu giữ nghệ thuật ca trù thì hầu như các Sở VHTTDL hầu như không quan tâm, thậm chí là lạnh nhạt. Nhiều nơi không công nhận nghệ thuật Ca trù hiện đang có tại địa phương mình, cho dù lịch sử Ca trù ở đó là vô cùng đồ sộ.
Thưa ông, nghe nói có những địa phương là cái nôi của di sản ca trù lại không tham gia liên hoan lần này?
 - Đó là việc 3 tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Nam Định. Đây là những tỉnh có truyền thống lịch sử về ca trù nổi tiếng nhất nhì trong cả nước. Qua những liên hoan được tổ chức như thế này chúng tôi hy vọng đây sẽ là lời cảnh báo về việc bảo vệ di sản, là ý thức chung của cộng đồng, ý thức trong việc quản lý của các địa phương có di sản. Tôi nghĩ rằng các địa phương trên không tham gia liên hoan Ca trù là khuyết điểm lớn về nhận thức về giá trị của di sản. Nếu địa phương nào cũng như vậy, xin hỏi Ca trù liệu có vượt qua tình trạng bảo vệ khẩn cấp hay không?
 Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Minh (thực hiện)
Theo: Daidoanket.vn
  • Từ khóa
Cử tri nhiều ý kiến thiết thực về giáo dục
Cử tri nhiều ý kiến thiết thực về giáo dục

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày 12/12/2024. Trước kỳ họp, nhiều cử tri bày tỏ kỳ vọng của mình đối với các vấn đề liên quan đến giáo dục, trong đó tập trung vào việc khắc...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...