Châu bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa

Thứ 4, 16/07/2014 | 08:22:55
1,227 lượt xem

Năm 2013, Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã tuyển chọn các châu bản chữ Hán trong kho tàng châu bản triều Nguyễn, có nội dung liên quan đến quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để in thành cuốn sách Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước đó, đã có nhiều tư liệu giới thiệu về các châu bản bằng chữ Hán Nôm, trong bài viết này, xin giới thiệu hai châu bản bằng chữ Việt.

 
Vào năm 2009, nhà nghiên cứu Phan Thuận An- TP Huế đã phát hiện và công bố thêm 2 châu bản của triều Bảo Đại viết bằng chữ Việt, kèm theo 1 văn bản chữ Pháp, có nội dung liên quan đến hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa dưới thời Pháp thuộc.
* Châu bản ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3.2.1939)
Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu gốc, là các văn bản hành chính đặc biệt của triều Nguyễn, ghi nhận triều đại này đã kế tiếp các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây trong hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam, thông qua các hoạt động thực tế như: liên tục cử người ra Hoàng Sa - Trường Sa (và những vùng biển đảo khác trên Biển Đông) để khảo sát, cắm mốc và đo vẽ bản đồ; ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ ở Hoàng Sa ... 
Đây là tờ phiến do Ngự tiền văn phòng đệ trình Vua Bảo Đại, đính kèm bản sao văn thư của Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil viết bằng tiếng Pháp gửi cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng, có chữ ký sao lục của Thương tá Ngự tiền văn phòng Trần Đình Tùng. Nội dung 2 văn bản này có liên quan mật thiết với nhau, đề cập sự việc sau: Ngày 2.2.1939, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil gửi thư cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh đề nghị cơ quan này tâu xin Vua Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của triều Nguyễn cho ông Louis Fontan, Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa, vừa qua đời tại Huế ngày 2.2.1939 do nhiễm phải bệnh sốt nguy hiểm trong thời gian công tác ở Hoàng Sa. Nhận được thư của Khâm sứ Trung kỳ, Tổng lý Phạm Quỳnh giao cho quan chức dưới quyền là Thương tá Trần Đình Tùng sao y nguyên văn. Ngày 3.2.1939, Ngự tiền văn phòng trình tờ phiến có chữ ký của Tổng lý Phạm Quỳnh kèm theo bản sao văn thư của Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil lên Vua Bảo Đại, đề nghị Vua truy tặng huy chương "tứ hạng Long tinh” cho ông Louis Fontan vì đã có công phòng thủ đảo Hoàng Sa. Vua Bảo Đại chấp thuận đề nghị của Tổng lý Ngự tiền văn phòng, bút phê: "Chuẩn y” và ký tắt 2 chữ "BD” (Bảo Đại) bằng bút chì màu đỏ ở lề trái tờ phiến.  
* Châu bản ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15.2.1939)
Đây là tờ phiến do Ngự tiền văn phòng đệ trình Vua Bảo Đại. Nội dung phản ánh việc Khâm sứ Trung Kỳ gửi thư cho Ngự tiền văn phòng vào ngày 10.2.1939 đề nghị cơ quan này tâu xin Vua Bảo Đại ban thưởng huy chương "ngũ hạng Long tinh” cho ngạch lính Khố xanh ở Trung kỳ do họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn ở cao nguyên và lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa. Nhận được thư này, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh soạn tờ phiến đệ trình vua Bảo Đại xem xét. Vua Bảo Đại ngự phê "Chuẩn y” và ký tắt 2 chữ "BD” bằng bút chì màu đỏ ở lề trái tờ phiến, đồng ý khen thưởng cho ngạch lính Khố xanh này. 
Như vậy, nội dung của 2 châu bản này đã chứng tỏ vào năm 1939, dù triều đình nhà Nguyễn lúc đó đang phụ thuộc vào sự bảo hộ của người Pháp nhưng vẫn quan tâm đến việc thực thi chủ quyền và phòng thủ ở Hoàng Sa. Vì thế, triều đình đánh giá cao công lao của những người lính đã có công bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và trọng thưởng họ, bất kể người Việt hay người Pháp. Điều này khẳng định rằng ngay cả khi đất nước đang lâm vào thế yếu, nhưng triều Nguyễn vẫn tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển đảo nằm trong hải giới của Việt Nam.
Tóm lại, châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu gốc, là các văn bản hành chính đặc biệt của triều Nguyễn, ghi nhận triều đại này đã kế tiếp các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây trong hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam, thông qua các hoạt động thực tế như: liên tục cử người ra Hoàng Sa - Trường Sa (và những vùng biển đảo khác trên Biển Đông) để khảo sát, cắm mốc và đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam và thuyền bè nước ngoài gặp nạn trên vùng biển Việt Nam; ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ ở Hoàng Sa; ban thưởng cho những người đã chịu đựng gian khó hoặc lập được công lớn và xử phạt những người trễ nải, không hoàn thành nhiệm vụ khi đi công cán ở Hoàng Sa... Những châu bản này là văn bản chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam liên quan đến quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thời Nguyễn. Đây chính là những bằng chứng xác thực chứng minh Việt Nam đã có quá trình chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
TS. Trần Đức Anh Sơn
Theo: Daidoanket.vn

 

  • Từ khóa
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...