Triển lãm những trang báo đầu thế kỷ 20

Thứ 3, 10/06/2014 | 08:17:52
1,125 lượt xem

43 ấn phẩm, trong đó có những tờ báo “của hiếm” từ hồi đầu thế kỷ 20 đã lần đầu tiên được giới thiệu, cho thấy nhiều điều thú vị của đời sống xã hội, văn hóa thời bấy giờ, cũng như những quan điểm của người làm báo cách chúng ta cả trăm năm. Những ấn phẩm này thuộc sở hữu của ba nhà sưu tập tư nhân Tạ Thu Phong, Trịnh Hùng Cường và Nguyễn Phát Hà Giang, thành viên của diễn đàn sachxua.net. Hiện tại, các bản báo hiếm này đang được trưng bày tại Trung tâm văn hóa Heritage Space, Dolphin Plaza, Hà Nội, từ nay cho đến hết ngày 13-6, trong khuôn khổ triển lãm “Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 -1965”.

 Rất nhiều độc giả, trong đó phần lớn là sinh viên, lần đầu tiên được tận mắt thấy những bản báo quốc ngữ đầu tiên trong lịch sử báo chí nước nhà: như Gia Định báo (1890), Phụ nữ Tân văn, Phong Hóa, Lục tỉnh Tân văn (1912), Trung Bắc Tân văn (1920), Đại Việt tạp chí, Đông Thanh tạp chí, Khai Hóa nhật báo, Đuốc Tuệ… Nhiều tờ ngay cả ở các thư viện cũng chưa chắc đã có.

Tờ Gia Định báo.

Những ấn phẩm đã ố vàng, chữ mờ, giấy rách.., nhưng nội dung của các bài vở, tin tức, thậm chí cả quảng cáo cũng vẫn còn nguyên vẹn. Gia Định báo, ra ngày thứ ba mồng 10 tháng 6 năm 1890, có các thông tin về thăng chức, tăng lương, thay đổi chỗ làm, rồi quy định các nhà quán, quán café, quán rượu phải đóng cửa giờ nào…

Tờ Khai Hóa.

Tờ Khai hóa nhật báo, phát hành ngày 22-12-1922 đưa tin hội nghị, phường nhạc tại hội chợ, khánh thành Cao đẳng học đường xứ Syrie tại thành Damas, bài bình luận “Sự ích lợi của khoa học và việc dùng tầu trượt ở xứ ta”.

Tờ Lục tỉnh tân văn ngày 3-10-1912 in bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt các bản bố cáo, tin quan Toàn quyền đại thần gia lãm xảo kỵ đấu trường (quan Toàn quyền đi xem đấu xảo – xiếc).

Tờ Trung Bắc Tân văn (1920) đưa tin “Hội chợ Hà Nội năm nay”, tin “Bắc kỳ tư vấn nghị viên đến thăm trường cao đẳng”, sách mới “Song Phượng kỳ duyên”…

Một số tờ khác đưa bài về các minh tinh nước ngoài, như “Greta Garbo phải chăng là một người đàn bà bí mật”, “Scandals Romains”…, hay những tin mà người đọc quan tâm như “Số gạo gởi ra Bắc Kỳ”, “Phát vải cho người Chợ Lớn”, “Thi Huyện hạng 3”, “Một thầy xếp đáng khen”…

Bên cạnh đó, còn có các ấn phẩm thời kỳ kháng chiến chống Pháp, như Cứu Quốc, Dân Cày, Thép Mới, Độc Lập, Việt Nam Độc Lập, Quyết Thắng, Lá Lúa… Có thể thấy ở đây những tờ báo tiền thân của các ấn phẩm ngày nay như Lao Động, Văn Nghệ… với nội dung và cách trình bày phản ánh rõ nét không khí lao động và chiến đấu của quân, dân ta thời bấy giờ.

Quảng cáo sửa chữa ô tô.

Một mảng thông tin được các nhà tổ chức trưng bày chú trọng, đó là thông tin quảng cáo trên các báo, khá thú vị. Có thể dễ dàng tìm thấy quảng cáo hãng tàu biển của nhà tư bản Bạch Thái Bưởi: “Tàu chạy phiên khắp các ngọn sông Bắc kỳ, Tàu chạy ven biển Bắc kỳ và Trung kỳ, Tàu cho thuê cả chuyến, Tàu nai thuyền và xà lan”. Quảng cáo có ghi chú thêm” Bản ty cũng có bao cả hàng hóa xuất cảng, nhập cảng… Quảng cáo sửa chữa, bảo hành xe ô tô của hãng Bobillot ở Hà Nội: “Tất cả các công việc sửa chữa đều tính giá hạ và do các người đốc công Tây thạo việc trông nom. Bán rẻ hơn 30% ở nơi khác. Hãng xe năm 1928 đã chữa 2.500 cái xe ô tô. Bao giờ hãng ấy làm các công việc cũng tính giá hạ. Các ngài muốn chữa và muốn mua gì, nên lại hãng ấy”.

Những ấn phẩm này thuộc sở hữu của ba nhà sưu tập tư nhân Tạ Thu Phong, Trịnh Hùng Cường và Nguyễn Phát Hà Giang, thành viên của diễn đàn sachxua.net. Hiện tại, các bản báo hiếm này đang được trưng bày tại Trung tâm văn hóa Heritage Space, Dolphin Plaza, Hà Nội, từ nay cho đến hết ngày 13-6, trong khuôn khổ triển lãm “Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 -1965”.

Tờ Lục tỉnh tân văn.

 

Một số tờ báo cổ trưng bày tại triển lãm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Thuần nhận xét: “Nhiều tờ báo hồi đầu thế kỷ 20 có nội dung hấp dẫn bởi vì người chủ bút có font văn hóa rất rộng, thực sự làm chủ được tờ báo của mình, điều này vô cùng quan trọng”.

Đây cũng chính là lý do mà PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái so sánh với truyền thông hiện nay: “Tôi thấy truyền thông hiện nay hơi thiếu tính văn hóa, thể hiện ở các show truyền hình thực tế, các thảm họa truyền thông, việc rơi rụng văn hóa trên truyền thông online”. Những tờ báo ở triển lãm, dù ít hay nhiều, cũng đã giúp những người làm báo ngày nay có một góc để tự soi lại chính mình. 

 

 
TUYẾT LOAN
Theo: Nhandan.com.vn
  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...