Tấm bản đồ có từ thời nhà Lý được viết bằng chữ Nôm, ngôn ngữ mà chỉ có người Việt mới biết viết. Trên bản đồ của triều đại này, Hoàng Sa được ghi bằng chữ Nôm. 

PGS. TS Nguyễn Tá Nhí, Chuyên gia Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: “Trong bức bản đồ chúng tôi tuyển chọn bởi nó có ba chữ Nôm: Bãi Cát Vàng. Đây là chữ Nôm do người Việt Nam sáng tạo ra, lịch sử chữ Nôm chúng ta đã có hàng ngàn năm nay, trong những văn bia có niên đại chính xác vào đời nhà Lý, nhà Trần chúng ta đã có những chữ Nôm. Do vậy, chỉ có người Việt Nam mới biết, mới vẽ được chữ Nôm vào bản đồ chứ người Trung Quốc, ngay cả việc đọc cũng đã khó rồi, huống chi việc viết”.

Ghi chép về "Bãi Cát Vàng", tức Hoàng Sa trong "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư". Ảnh: VOV 

Theo Đại Việt sử ký Toàn thư, năm Chính Long bảo ứng thứ 10 (tức 1172), cứ tháng 2 hàng năm, vua Lý Anh Tông lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép các phong vật mang về, còn trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá có niên đại năm 1686 có ghi chép rất rõ về quần đảo Hoàng Sa.

PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh, Chuyên gia Nghiên cứu Cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói: “Hàng năm, các Nhà nước phong kiến Việt Nam thường xuyên cử người vẽ bản đồ Hoàng Sa, đặc biệt là thời nhà Minh, việc vẽ bản đồ Hoàng Sa đã có những thành tựu nhất định, hàng năm thường xuyên thành lập đội Hoàng Sa để ra quản lý quần đảo Hoàng Sa và cử người ra đó để sinh sống, khai thác và xây miếu, dựng bia ở trên đảo. Thứ ba là họ đã đưa vào chương trình dạy sách giáo khoa để dạy cho người Việt từ năm 1881, dạy cho người Việt Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Những chứng cứ mới này cũng sẽ là căn cứ để Việt Nam tiếp tục đấu tranh trực tiếp với những hành động vi phạm chủ quyền mà Trung Quốc đang thực hiện trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.