Theo ông Trần Thắng - người đã dày công sưu tập nhiều tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam, thì bộ sách 6 tập bản đồ (Atlas) thế giới do Chính phủ Pháp phát hành năm 1827 mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tiếp nhận, cộng thêm với bộ sách 4 tập Atlas của Trung Quốc mà ông đã tặng cho Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Ðà Nẵng, sẽ có giá trị pháp lý rất cao để khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.
Tập "Trung Hoa Ðịa Ðồ” 1908 chỉ rõ
miền Nam nước này chỉ đến địa phận đảo Hải Nam
Sinh sống ở nước ngoài, nhưng những ngày này khi vấn đề Biển Đông đang nóng, ông Thắng vẫn thường xuyên liên lạc với bạn bè, giới truyền thông trong nước để hiểu rõ tình hình. Ông chia sẻ: Trong số 150 bản đồ minh chứng lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam mà ông sưu tập được, thì ông ấn tượng hơn cả với 4 cuốn Atlas về địa lý và pháp lý của Nhà nước Trung Hoa.
Theo đó, đầu tháng 8-2012, khi thu thập bản đồ Trung Hoa cổ do các nước phương Tây phát hành, ông tình cờ thấy được sách "Postal Atlas of China” (Trung Hoa Bưu Chính Dư Đồ) năm 1933 phát hành tại Nam Kinh do Cục Bưu chính phát hành (Directorate General of Posts) đang được một người ở New York (Mỹ) rao bán trên mạng với giá 5.000 USD. Các hình ảnh tổng thể về Trung Hoa và tỉnh Quảng Đông chỉ rõ miền Nam nước này chỉ đến địa phận Hải Nam.
Trong khoảng thời gian chờ đợi mua sách Atlas 1933, ông lại phát hiện sách Atlas Trung Hoa Địa Đồ 1908 do Phái bộ Truyền giáo Trung Hoa phát hành tại London. Ðây là sách Atlas đầu tiên về địa lý Trung Hoa, được xây dựng dựa trên chương trình bản đồ của nhà Thanh. "Sách nằm tại London với giá là 1.000 USD và tôi mua khá dễ dàng sách này với giá 700 USD” - ông bảo vậy. Rồi vài tuần sau ông Thắng lại tìm được sách Atlas "Trung Hoa Bưu Chính Dư Ðồ” do nhà nước Trung Hoa phát hành năm 1919, được in bằng 3 ngôn ngữ Trung Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp. Cuốn sách này ông mua tại Ba Lan trong một tiệm sách cổ. Như có "duyên trời”, sau đó ông dễ dàng và may mắn tìm được cuốn Atlas Trung Hoa Địa Đồ phát hành năm 1917 do Phái bộ truyền giáo Trung Hoa phát hành tại London.
Như vậy, những tập Atlas do ông Trần Thắng sưu tầm được cụ thể như sau:
Thứ nhất: Tập "Trung Hoa Bưu Chính Dư Ðồ” (Postal Atlas of China) phát hành ấn phẩm đầu tiên năm 1919 tại Nam Kinh, do Bộ Giao thông Trung Hoa phát hành. Sách khổ 62cm x 38xm. Bản đồ tỷ lệ 1:900,000. Bao gồm 48 bản đồ của 26 tỉnh và 1 bản đồ tổng thể Trung Hoa, được viết bằng 3 ngôn ngữ tiếng Trung, Anh, Pháp. Ðảo Hải Nam thuộc tỉnh Quảng Ðông (Kwang Tung).
Thứ hai: Tập "Trung Hoa Bưu Chính Dư Ðồ” phát hành năm 1933, tương tự như tập Atlas 1919, nhưng có thay đổi về tên một số tỉnh và số tỉnh lúc này là 29.
Thứ ba: Tập "Trung Hoa Ðịa Ðồ” (Atlas of The Chinese Empire) phát hành đầu tiên năm 1908 tại London, do Phái Bộ Truyền giáo Trung Hoa và nhà địa lý danh tiếng Edward Stanford phát hành. Tập atlas này được biên soạn dựa trên nhiều nguồn tài liệu như các nhà địa lý, Hội Địa lý Hoàng Gia, Hải quan Trung Hoa, Bưu điện Trung Hoa, Văn phòng Chiến tranh Anh & Ðức tại Trung Hoa. Sách atlas này là sách đầu tiên vẽ về địa lý Trung Hoa và là nền tảng cho các sách atlas Trung Hoa sau này. Sách khổ 25cm x 24cm. Bản đồ tỷ lệ 1:3,000,000. Bao gồm 22 bản đồ của 18 tỉnh và 1 bản đồ tổng thể Trung Hoa, được viết bằng tiếng Anh. Ðảo Hải Nam bản đồ thuộc tỉnh Quảng Ðông (Kwang Tung).
Thứ tư: Tập "Trung Hoa Ðịa Ðồ” (Complete atlas of China) năm 1917, nội dung không gì thay đổi so với những tập Atlas nói trên.
Ông Thắng cũng cho biết thêm: Hiện tại ngoài TS. Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng thì chưa có ai nghiên cứu sâu về 4 tập sách sách Atlas mà ông sưu tập được. Vì vậy, việc nghiên cứu và quảng bá rộng rãi những cuốn Atlas chúng ta đang có (2 bộ- 10 cuốn atlas) chính là góp phần củng có thêm những cơ sở pháp lý để Việt Nam khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.
Hương Lê
Theo: Daidoanket.vn