Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống Lao

Thứ 3, 16/05/2023 | 00:00:00
558 lượt xem

Việt Nam hiện là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo báo cáo của WHO, ước tính tại Việt Nam mỗi năm có 170.000 ca mắc lao mới, 70% người mắc ở độ tuổi lao động. Để phòng chống căn bệnh này, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hiểu biết từ mỗi người dân.

Bệnh nhân 54 tuổi này vừa phát hiện mắc lao và đang trong giai đoạn điều trị tại bệnh viện. Trước khi đi khám, bà chưa một lần nghĩ tới khả năng bị bệnh, đến nay vẫn không rõ mình lây từ đâu. Những triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn khiến bà chủ quan, không đi khám sớm. 


Bà Ngô Thị Thủy, bệnh nhân: 

"Tôi lúc đầu người cứ khó chịu, hay sốt vào buổi chiều, ho ra máu, mệt. Lúc đầu chỉ nghĩ là bị sốt, lên đây xét nghiệm mới biết bị lao."





Bác sĩ CKI Nguyễn Đạt Trung - trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Quỳnh Phụ

"Bệnh nhân lao đến với chúng tôi thường khi phổi đã bị tổn thương, phát hiện ra thì cũng đã trong giai đoạn toàn phát. Nguyên nhân là do BN hay đi chữa ngoài, phòng khám tư không phân loại được bệnh lao. Thứ 2 là người già con cái không quan tâm tình trạng bệnh. Thứ 3 là chủ quan tự mua thuốc về uống. Để đến muộn BN dễ có biến chứng khó chữa, lao kháng thuốc, suy nhược cơ thể, điều trị rất khó khăn."

Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%. Trong vòng 1 năm qua, từ việc khám sàng lọc tại cộng đồng, Thái Bình phát hiện trên 800 bệnh nhân mắc lao các thể, trong đó có 16 bệnh nhân lao kháng thuốc và 4 bệnh nhi. Mặc dù số phát hiện bệnh lao có tăng so với giai đoạn xảy ra dịch Covid-19, nhưng đáng ngại, đó mới chỉ là khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn trong tuyên truyền về bệnh lao để người dân chủ động tham gia phòng chống và người mắc lao điều trị đúng phác đồ, không để lây lan.



Bà Lê Thị Hoài - Bí thư chi bộ thôn Quyết Tiến, xã Hồng An, huyện Hưng Hà: 

"Chúng tôi tuyên truyền bằng những hình ảnh, tranh cổ động và qua loa truyền thanh của thôn. Đối với BN lao bên cơ sở thôn chúng tôi có CTV y tế dân số hàng tháng cũng đến cấp phát thuốc, ngoài ra còn thăm hỏi bệnh nhân, kiểm tra xem BN có uống thuốc đều không."



Ông Nguyễn Văn Cao, Bí thư chi bộ thôn Vũ Đoài, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà: 

"Lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nên tại các hội nghị từ chi bộ đến nhân dân và các đoàn thể đều tuyên truyền sâu sát. Những người đã bị nhiễm thì chúng tôi hướng dẫn cụ thể về phòng chống lao của chuyên môn, để tránh lây nhiễm với cộng đồng."


Để giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao, cũng cần tăng cường các biện pháp khám sàng lọc, điều trị sớm và quản lý tốt bệnh nhân lao tại cộng đồng. Đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật mới vào khám, chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao. Ưu tiên phát hiện bệnh bằng việc kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm thụ động, chủ động, tích cực, phối hợp y tế công – tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán lao ở các cơ sở đa khoa và chuyên khoa ngoài hệ thống chương trình chống lao. Ngành y tế phấn đấu đạt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn bệnh lao vào năm 2035. 

Hà My

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...