Công khai, minh bạch trong xét đối tượng người khuyết tật

Thứ 6, 17/04/2020 | 00:00:00
2,085 lượt xem

Công khai, minh bạch trong xác nhận đối tượng Người khuyết tật – Đây là nội dung nổi bật trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Thaibinhtv.vn với ông Bùi Văn Huân - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnhThái Bình về chính sách với Người Khuyết tật ( NKT) nhân kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam ( 18/4/1980-18/4/2020).

Ông Bùi Văn Huân - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnhThái Bình trao đổi với PV về chính sách đối với người khuyết tật

PV: Ông cho biết việc về thực trạng người khuyết tật ( NKT) tại Thái Bình hiện nay như thế nào? 

Thái Bình có khoảng 124.000 NKT (chiếm khoảng 6,8% so dân số). Trong số 124.000 NKT có 70.142 người đã được xác định dạng tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật: NKT đặc biệt nặng là 12.190 người; khuyết tật nặng là 48.347 người; khuyết tật nhẹ là 9.605 người, còn lại là các nhóm đối tượng hưởng các chính sách khác. Nhóm NKT đặc biệt nặng và khuyết tật nặng chưa hưởng chính sách khác thì được hưởng chính sách trợ cấp xã hội. Theo cơ cấu độ tuổi: Thanh niên khuyết tật trong độ tuổi (16 – 30) là 18.788 người (chiếm 26,8%), người cao tuổi khuyết tật 22.644 người (chiếm 32,3%). 

PV: Những khó khăn của người khuyết tật hiện nay ? 

Rào cản lớn nhất hiện nay là xã hội vẫn nhìn NKT bằng con mắt thương hại, đối đãi với NKT theo quan điểm từ thiện, nhân đạo chứ chưa theo cách tiếp cận tích cực là bảo đảm quyền cơ bản của họ. Việc đi lại, giao tiếp của NKT còn khó khăn; trình độ văn hóa còn thấp. Nhiều NKT chưa được học nghề, chưa có việc làm dù chỉ là công việc giản đơn với thu nhập thấp. Phần lớn NKT có gia cảnh nghèo khó, thậm chí rất nghèo… Những yếu tố đó khiến NKT thường mang trong mình cảm giác tự ti. Vẫn còn cách nhìn của một bộ phận và của chính bản thân NKT và thân nhân của NKT mới chỉ quan tâm đến chính sách BTXH, chưa thực sự coi trọng các chính sách đối với người khuyết tật, nhất là chính sách dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục ... để NKT tự lực hòa nhập cộng đồng.

Các chính sách đối với người khuyết tật, nhất là chính sách dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục ... để NKT tự lực hòa nhập cộng đồng chưa được coi trọng

Tại một số địa phương, việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT hiện đang thiếu nhân lực và thiếu kinh phí hoạt động Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới phục hồi chức năng mỏng, thiếu cán bộ; chưa có mô hình tổ chức các cơ sở phục hồi chức năng, một số trạm y tế cơ sở chưa thực hiện việc lập hồ sơ quản lý đối tượng, theo dõi tình hình sức khỏe của NKT theo quy định của Luật NKT.

Trên thực tế, hệ thống trường, lớp học, thiết bị dạy học dành riêng cho NKT trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của NKT.  Việc tuyển sinh học nghề đối với NKT rất khó khăn vì nhiều lý do như: Gia đình NKT không muốn cho con đi học; NKT thường có trình độ học vấn thấp, thậm chí không biết chữ nên tự ti, mặc cảm và rất ngại tham gia học nghề; xã hội nhìn NKT với con mắt thiếu tin tưởng và cho rằng họ học nghề không để làm gì… 

Phần lớn những NKT có việc làm không ổn định, làm các công việc tạm thời, lao động chân tay, làm việc trong các tổ chức cơ sở mang tính nhân đạo, từ thiện; Một số cơ sở dạy nghề, SXKD dành cho NKT chưa được công nhận, nên chưa được hỗ trợ. Mặc dù trên thực tế các cơ sở này đã tổ chức dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho NKT. Trên thực tế, nhu cầu việc làm của đối tượng là rất lớn và hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, rất ít người tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn; hầu hết các doanh nghiệp chưa nhiệt tình khi nhận lao động là NKT, vì vậy, thu nhập của NKT tương đối thấp, không ổn định

 Ngoài ra, khó khăn nằm trong chính nội lực của NKT khi nhiều người khuyết tật còn chưa thực sự cố gắng để vượt qua khiếm khuyết, hoà nhập cộng đồng và khẳng định bản thân. 

Phỏng vấn của phóng viên Thaibinhtv.vn với ông Bùi Văn Huân- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnhThái Bình

PV: Trước những khó khăn đó thì Nhà nước và Thái Bình đã có những chính sách, giải pháp cụ thể gì hỗ trợ NKT?

Năm 2019, Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 01 về xác định mức độ khuyết tật; sở đã chủ động hướng dẫn, tập huấn cho cơ sở trong đó chú trọng trách nhiệm của Chủ tịch hội đồng xét duyệt.

Năm 2020 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 39, Sở đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 207-KH/TU ngày 13/12/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38 /KH-UBND ngày 10/4/2020 về việc tăng cường sự trợ giúp đối với NKT trên địa bàn với 5 nội dung chính và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, gồm:

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của NN về trợ giúp NKT

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý NN trong thực hiện chính sách, pháp luật về NKT;

- Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trợ giúp NKT;

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của UB MTTQ VN tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đối với các tổ chức của NKT

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của NKT.

Đối với ngành Lao động – TBXH (cơ quan QLNN về NKT): Chúng tôi đã làm những việc sau:

- Xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát ngay từ cơ sở. Xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm bị phát hiện. Tăng cường công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, trả lời đường dây nóng. 

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tăng thời lượng phát sóng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến về chính sách xã hội, trong đó có chính sách người khuyết tật. 

- Quan tâm đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CBCCVC trong toàn ngành. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong thực hiện chính sách đối với người khuyết tật.

- Tăng cường thực hiện đối thoại chính sách đối với NKT, đi đến tận cơ sở để thực hiện đối thoại chính sách, qua đó, NKT nắm bắt được những chính sách NN hỗ trợ NKT và ngành nắm bắt được những vướng mắc, khó khăn tại cơ sở có giải pháp kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

- Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người khuyết tật theo quy định.

 Những chính sách, giải pháp hỗ trợ người khuyết tật để họ có thêm tự tin, lạc quan hòa nhập cộng đồng

PV: Để những chính sách, giải pháp hỗ trợ người khuyết tật có hiệu quả, đề xuất của cơ quan quản lý Nhà nước về người khuyết tật với các cấp, các ngành, cộng đồng như thế nào thưa ông?

 Theo quan điểm của ngành thì cần quy định chính sách riêng, cụ thể về dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, có chính sách khuyến khích hỗ trợ và tạo việc làm phù hợp cho đơn vị dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập cho NKT được học nghề, có việc làm ngay tại gia đình, địa phương, nhất là đối với các cơ sở của NKT, dạy nghề và tạo việc làm cho NKT; Xây dựng chương trình quốc gia về thực hiện “Chương trình tạo việc làm tại chỗ cho NKT”, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT và gia đình của họ. 

- Đưa chương trình sinh kế cho NKT là một trong những nội dung hoạt động của mục tiêu an sinh xã hội.

- Nên có cơ chế chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho các đối tượng là người khuyết tật đã được cấp Giấy xác định mức độ khuyết tật (đối với những đối tượng chưa được hưởng trợ cấp, chưa được cấp thẻ BHYT khác) để hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện cho người khuyết tật đi khám chữa bệnh, tái hòa nhập cộng đồng.

- Cần phải có hướng đi mới trong việc NKT tiếp cận thông tin ngoài việc tập huấn, đối thoại chính sách mà ngành Lao động – TBXH và các hội đoàn thể vẫn đang làm, để chính họ hiểu họ có quyền và nghĩa vụ như thế nào, các chính sách hỗ trợ họ và các thông tin chính trị thời sự khác để họ nắm bắt, hiểu và thực hiện theo quy định của pháp luật ví dụ như có phiên dịch thủ ngữ tại Đài truyền hình quốc gia.

PV: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi này!

Bùi Minh 

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...