Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Cần xóa bỏ khoảng cách giới

Thứ 6, 07/06/2019 | 09:11:47
346 lượt xem

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tô Hồng Nam, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ phát triển. Tuy nhiên, nữ giới đang nằm trong nhóm nguy cơ cao bị bỏ lại đằng sau vì sự hạn chế về kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực số so với nam giới. Chính vì vậy, các trường cần có nhiều hoạt động khơi nguồn cảm hứng, truyền đam mê cho nữ sinh theo học và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, từ đó phát triển nguồn nhân lực

Thiếu nguồn nhân lực trầm trọng

Báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp thuộc Khối thịnh vượng chung về nền kinh tế kỹ thuật số tương lai của Việt Nam cho thấy, đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ đám mây, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và công nghệ Blockchain. Các lĩnh vực quan trọng khác bao gồm internet vạn vật, thương mại điện tử, quy trình kinh doanh và gia công phần mềm công nghệ thông tin… cũng được các doanh nghiệp tuyển dụng.

Thực tế cho thấy, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ phát triển. Tuy nhiên, nữ giới đang nằm trong nhóm nguy cơ cao bị bỏ lại đằng sau vì sự hạn chế về kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực số so với nam giới. Theo số liệu thống kê của của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), dự báo năm 2020, lĩnh vực công nghệ thông tin cần tới 530.000 lao động nhưng với tốc độ đào tạo hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 350.000 người. Đây sẽ là cơ hội lớn với tất cả mọi người, đặc biệt là thanh niên. Tuy vậy, về nguồn nhân lực, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện cả nước có 153 cơ sở đào tạo công nghệ thông tin (ICT), mỗi năm gần 35.000 sinh viên ICT ra trường. Khoảng 30% làm việc ở doanh nghiệp ICT, số còn lại làm chuyên môn về ICT ở các đơn vị, cơ quan khác. Như vậy, số lượng này chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh ICT trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỷ USD.

Thu hút nữ sinh theo học công nghệ thông tin

Thực tế, Đảng và Nhà nước đã giúp cho phụ nữ Việt Nam được tự do lựa chọn nghề nghiệp, được sử dụng thành quả của khoa học kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tin học, được nâng cao kiến thức, có kinh tế độc lập và được nâng cao địa vị trong gia đình và xã hội, được pháp luật bảo vệ, trong đó trực tiếp phải kể đến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Ngày 29.7.1980, Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, với tinh thần của Công ước là nhằm bảo đảm nhân cách, phẩm giá và các quyền cơ bản của con người cũng như quyền bình đẳng giới giữa phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, vì những định kiến giới nên tỷ lệ nữ được học và tham gia vào các lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn còn khá khiêm tốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lao động nữ đứng trước nhiều nguy cơ mất việc làm, không có nhiều cơ hội trong nền kinh tế 4.0.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển GS.TS. Lê Thị Qúy, Nhà nước cần xem xét, ban hành các văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này cần phân tích kỹ và đa chiều về các phương án chính sách, dự thảo quy định pháp luật hoặc dự kiến hoạt động trong mối tương quan với những tác động, ảnh hưởng từ sự khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế của phụ nữ trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách đã và đang gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tăng các chính sách bù đắp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm.

Cụ thể, đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức cần có các chính sách, quy định pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại, quy hoạch, bổ nhiệm, các vấn đề an sinh xã hội hỗ trợ hài hòa công việc xã hội, gia đình và tuổi lao động. Bên cạnh giải pháp về cơ chế, chính sách ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam hiện đang là một thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin rất tiềm năng. Công nghệ thông tin không có giới tính. Công nghệ thông tin dành cho tất cả mọi người, nhưng số liệu thống kê thực tế của hơn 32.000 nhân viên FPT thì chỉ có 1/3 là nữ. Vì vậy, cùng với chính sách của Nhà nước, các trường cần nâng cao chất lượng đào tạo, có nhiều hoạt động truyền thông để ngày càng có nhiều nữ sinh tham gia học ngành công nghệ thông tin. Có như vậy mới đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho một lĩnh vực ngày càng sôi động và đang rất khát nguồn nhân lực có chất lượng.

Theo daibieunhandan.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...