Dịch tả lợn Châu Phi: Thịt lợn ế ẩm khi người dân có tâm lý nghi ngại

Thứ 5, 21/03/2019 | 14:45:06
425 lượt xem

Khi có thêm các tỉnh xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, nhiều người dân lo lắng không mua thịt nữa, còn người bán hàng thì kêu ế ẩm...

Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại Lai Châu.

Dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch nhưng dịch tả Châu Phi vẫn đang lây lan rất nhanh, hiện đã có 19 tỉnh thành xuất hiện dịch. Do tâm lý e ngại ảnh hưởng đến sức khỏe nên một bộ phận người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang né thịt lợn. Hậu quả là sức mua cũng như giá cả thịt lợn hiện có nhiều biến động. 

“Ôi giời ôi, quá ế ẩm, mời người ta không mua, khách quen cũng ít lắm, bình thường ngày 1,2 con mà giờ nửa con cũng không bán được luôn. Giờ vẫn còn nguyên si bàn thịt, bây giờ là 10h kém, bình thường là tầm 2 tiếng đồng hồ sau khi mở là vãng, mà giờ trưa vẫn còn nhiều”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Luyến, chủ quầy hàng kinh doanh thịt lợn tại ngõ 622 Minh Khai, quận Hải Bà Trưng, Hà Nội.

Buôn bán ế ẩm không chỉ diễn ra ở cửa hàng của chị mà là tình trạng chung của tất cả quầy hàng kinh doanh thịt lợn sống trong khu chợ dân sinh này. Khu chợ thường ngày tấp nập người mua người bán giờ đây chỉ tập trung ở những quầy hàng bán thịt bò, thịt gà và hải sản. Các quầy kinh doanh thịt lợn luôn trong tình trạng vắng khách, thỉnh thoảng có khách ghé vào, nâng lên đặt xuống rồi đi.

Tương tự, chị Phùng Thị Tình, Chương Mỹ, Hà Nội, chủ quầy hàng bán thịt lợn ở chợ Vĩnh Tuy cho biết, vất vả di chuyển hàng hóa từ nhà đến khu chợ từ sớm, thế nhưng ngồi cả buổi sáng cũng chỉ bán được vài cân thịt. Hiểu tâm lý người dân lo lắng trong mùa dịch, chị đã giảm giá sản phẩm nhưng sức mua vẫn không khả quan.

Sau khi dịch tả lợn Châu Phi công bố, nhiều người dân lo lắng và dần thay đổi thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, thay vì lựa chọn thịt lợn là món ăn thông thường hàng ngày, một số người dân chuyển hướng sử dụng các loại thực phẩm khác như thịt bò, gà, cá, tôm… Dù được thông tin cụ thể dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người, nhưng với suy nghĩ phòng hơn chữa nên một số người dân vẫn tỏ ra ghi ngại.

Khi có thêm các tỉnh xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, nhiều người bán hàng kêu ế ẩm (ảnh minh họa) 

Một người dân bày tỏ: “Thịt lợn cũng là món ăn quen thuộc, lâu lắm không ăn thì cũng thấy nhớ, nhưng nghĩ đến dịch ấy thì chẳng dám ăn. Nếu thèm quá thì có thể mua ở siêu thị, nhưng mà nhiều khi vẫn thấy sợ, nhìn thì có cảm giác sẽ an toàn nhưng mà cũng chẳng biết thế nào được, vẫn lọt lưới, làm sao kiểu tra được hết. Tốt nhất là không nên ăn cá, ăn tôm thôi. Hoặc nếu muốn ăn thì hỏi người quen ở quê nuôi lợn sạch thì lấy nhưng mà cũng ít khi có được miếng thịt ấy lắm”.

Người dân khác chia sẻ: “Nhà tôi không dám ăn, siêu thị cũng không dám mua, con cái đi học ăn ở trên trường tôi có dặn con nếu thấy có thịt lợn thì báo ngay để tôi phản ánh với trường. Biết có dịch tả như thế, nghe đến dịch là thấy sợ, nói chung cứ tránh đi cho nó lành”.

Trong khi nhiều quầy hàng kinh doanh thịt lợn ở khu chợ rơi vào tình cảnh buôn bán ế ẩm đã tính đến phương án giảm giá thì các chuổi cửa hàng thực phẩm sạch ở một số khu đô thị vẫn giữ nguyên giá bán. Giá một cân thịt lợn thăn vẫn ở mức 130.000 đồng.

Chị Lê Thị Quỳnh Hương, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Mai ở khu đô thị Time City, Minh Khai, Hà Nội cho biết, gần 1 tháng nay mức tiêu thụ thực phẩm này có giảm nhưng với cửa hàng không đáng kể và chị vẫn giữ nguyên mức giá bán hiện nay.

“Sức mua có giảm do dịch tuy nhiên cửa hàng nhập từ công ty, có kiểm dịch, phòng dịch theo quy trình cho nên giá chung rồi, chúng tôi không giảm giá, một giá như thế, sức mua chỉ giảm 1/3 thôi chứ không phải hàng trôi nổi như ở chợ mà để giảm đột biến”, chị Quỳnh Hương nói.

Nhiều người tiêu dùng thông minh cũng đã lựa chọn cho gia đình của mình những sản phẩm thịt lợn an toàn với quy trình kiểm dịch, sản xuất chặt chẽ ở siêu thị và những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.

Một người dân bày tỏ: “Cô ăn bình thường, xác định chỉ chết lợn thôi, không lây sang người. Khi mua cô cũng kén những nhà hàng quen thuộc rồi, biết chắc là thịt lợn sạch mới mua, về cũng phải ngâm nước muối nên cũng yên tâm”.

“Vẫn ăn bình thường vì chị biết bệnh này không lây sang người và cũng được thông tin một số vùng kiểm soát dịch rất tốt, siêu thi bán đồ cũng đảm bảo nên nhà vẫn ăn bình thường”, một người tiêu dùng cho biết./.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dù bệnh dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người, nhưng căn bệnh này có thể gây hại sức khỏe nếu thịt không được nấu chín. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên quay lưng với thịt lợn, thay vào đó cần lưu ý để mua đúng thịt không nhiễm sán. Các bộ phận dễ nhận biết đối với thịt nhiễm bệnh như tứ chi, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh; khi chế biến thịt có mùi hôi, nước nấu thịt đục ngầu. Khi chạm vào thịt có hiện tượng chảy nhớt, kết cấu của thịt nhão, không đàn hồi, màu thịt kém tươi, phần mỡ không có màu trắng. 

Theo Vov

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...