Sau sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGD vào Trung tâm Y tế huyện

Thứ 2, 28/01/2019 | 16:49:07
1,515 lượt xem

Thực hiện Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XII, ngành y tế Thái Bình thời gian qua đã tiến hành sáp nhập một số đơn vị nhằm mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn.

Trong những năm qua, sự thay đổi lớn nhất về bộ máy của ngành Y tế chính là việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, chuyển về trực thuộc Sở Y tế Thái Bình quản lý, hoàn thành từ tháng 10/2018. Đến nay, các trung tâm sau sáp nhập đã đi vào ổn định.

Trước khi sáp nhập, Trung tâm Y tế các huyện thành phố có 2 phòng và 5 khoa. Trung tâm DS-KHHGĐ có 2 ban. Sau sáp nhập, các Trung tâm Y tế bổ sung thêm cán bộ từ Trung tâm DS-KHHGĐ và thêm phòng Dân số, truyền thông và giáo dục sức khỏe. Các khoa phòng còn lại cũng được điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn. Về cơ sở vật chất, Trung tâm Y tế các huyện thành phố sử dụng trụ sở cũ. Trụ sở của các Trung tâm DS-KHHGĐ bàn giao lại cho UBND huyện thành phố hoặc BVĐK huyện quản lý. 

Sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế huyện, thành phố là hướng tới sự đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả và bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, sáp nhập cũng dễ phát sinh 1 số vấn đề nếu công tác quản lý điều hành không sâu sát. 

Một trong những vấn đề đặt ra khi sáp nhập là sắp xếp nhân lực. Ngành Y tế đã làm tốt công tác tư tưởng, thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch. Việc giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Không để xảy ra tình trạng sắp xếp theo cách làm cộng dồn mà đặt yêu cầu chất lượng, ổn định lâu dài của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lên hàng đầu. 

Bác sĩ CKI Đặng Duy Niên, Phó Giám đốc TTYT huyện Vũ Thư: "Đôi khi cũng có suy nghĩ từ GĐ xuống PGĐ, từ PGĐ xuống trưởng phó khoa nhưng cơ bản là sáp nhập để phát triển mạnh hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn, đấy mới là cái cần nghĩ đến."





Ở tuyến xã, cán bộ chuyên trách dân số xã trước kia hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm DS-KHHGĐ, thì sau khi sáp nhập đã được chuyển vào thành một chức danh của trạm y tế. Điều này tạo thuận lợi là bổ sung thêm nhân lực cho trạm, hỗ trợ công tác truyền thông về sức khỏe. Vấn đề đặt ra là đội ngũ cán bộ dân số xã phần lớn chưa có trình độ, bằng cấp chuyên môn về y tế, đã được các đơn vị tập trung giải quyết.

Bác sĩ Nhâm Văn Dũng, trạm trưởng trạm y tế xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy: "Khi có chương trình hoặc kế hoạch cử cán bộ đi học có thể chuyển đổi bằng, hoặc học nâng cao trình độ, chúng tôi sẽ bố trí sắp xếp thời gian để cán bộ DS tham gia các lớp học. Khi có bằng cấp sẽ tạo điều kiện, đề nghị cấp trên sẽ có thể cấp chứng chỉ hành nghề để hoạt động như 1 viên chức  trạm y tế."


Sau sáp nhập, Trung tâm Y tế các huyện thành phố vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Các dự án, chương trình và hoạt động hợp tác quốc tế đang triển khai được duy trì, đảm bảo về chất lượng, tiến độ kế hoạch, không để xảy ra gián đoạn vì lý do sáp nhập.



Bác sĩ CKI Đào Trọng Bích, Giám đốc TTYT huyện Thái Thụy: "Phải khẳng định khi sáp nhập TTDS về TTYT huyện đã khắc phục những điểm tồn tại trước đây, ví dụ như nguồn lực bị phân tán, lãnh đạo chỉ đạo chồng chéo nhưng bây giờ đã khắc phục được, và tính hiệu quả sẽ cao hơn."





Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình: "Khi sáp nhập lại tạo sức mạnh chung và hiện nay nếu nói riêng về DS thì chúng ta không có sự khác biệt, và đặc biệt là cán bộ DS không bị đơn độc mà toàn hệ thống y tế bao gồm từ xã, TTYT, BV đều phải làm nhiệm vụ về y tế của mình, nhưng DS vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của cả ngành.. Chúng tôi đánh giá rằng TTYT hiện nay đang đi theo đúng quỹ đạo và đang phát huy hiệu quả tốt."


Sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã giúp các hoạt động chuyên môn được tập trung về một đầu mối, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ hơn. Thu hút được nguồn nhân lực, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, dễ dàng thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ để hỗ trợ cho tuyến dưới. Bên cạnh đó còn giảm chi phí hành chính cho những nhiệm vụ tương đồng của Trung tâm y tế và Trung tâm DS-KHHGĐ trước đây. 

Sau sáp nhập, các đơn vị cũng có điều kiện mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn. Từng bước thực hiện tự chủ một phần về tài chính, tạo sự năng động trong tổ chức, điều hành. Một số hoạt động có thể phát triển theo hướng xã hội hóa như khám, điều trị dự phòng các bệnh không lây nhiễm, dịch vụ tiêm chủng, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. 

Hà My

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...