Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Thứ 4, 27/11/2024 | 20:05:00
293 lượt xem

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dự phiên họp

Tại phiên thảo luận, đã có 24 lượt ý kiến phát biểu, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ bản thống nhất với việc sửa đổi Luật Việc làm. Đồng thời nêu nhiều vấn đề thực tiễn để củng cố cơ sở, lập luận về tính khả thi của các chính sách về hỗ trợ việc làm; việc nghiên cứu, rà soát các đối tượng, trong đó có đối tượng là người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, người bị thu hồi đất, người lao động ở khu vực nông thôn, người cao tuổi; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; thông tin thị trường lao động; mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận tại phiên họp

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Việc làm, tuy nhiên đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung quy định về đối tượng lao động và Chính sách của Nhà nước về việc làm. Tại Điều 2 dự thảo Luật có quy định, Luật này áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm. Tại khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ có nêu rõ: Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa bao quát hết tất cả các đối tượng người lao động. Trên thực tế, ngoài người lao động là công dân Việt Nam thì còn có lực lượng lao động là công dân của nước khác làm việc tại Việt Nam. Người nước ngoài lao động tại Việt Nam cũng đã được quy định tại Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, cần quy định rõ ràng trong Luật này để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cần làm rõ đối tượng áp dụng của Luật bao gồm “các cá nhân khác có liên quan” là những cá nhân nào để Luật bảo đảm tính minh bạch và khả thi.

Đối với các chính sách của Nhà nước về việc làm, đại biểu cơ bản nhất trí với 09 nhóm chính sách được thiết kế tại Điều 5 của dự thảo Luật. Trong đó có chính sách về hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Chính sách này cũng đã được quy định tại Luật Dạy nghề năm 2006. Tuy nhiên, chính sách này vẫn có những khoảng trống, do đó cần bổ sung chính sách để khuyến khích những đối tượng này vươn lên, tạo việc làm cho những người có cùng cảnh ngộ. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tổng kết và xem xét bổ sung quy định hỗ trợ người sử dụng lao động ở khu vực nông thôn, trong đó có những quy định đối với doanh nghiệp về tỷ lệ tuyển dụng là người lao động tại địa bàn đứng chân về cả chuyên môn cũng như lao động phổ thông, lao động có tính chất phục vụ, không cần đào tạo nhiều.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ đồng thuận về nội dung hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi, tuy nhiên, đại biểu cho rằng ở các điều khoản khác quy định liên quan đến các chính sách việc làm như: phát triển kỹ năng nghề từ việc các quy định khung trình độ, tiêu chuẩn, việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề mà người cao tuổi cũng phải tham gia và chịu chi phối của các quy định này. Theo đại biểu, chính sách tạo việc làm cho người lao cao tuổi thì cần được thiết kế có tính đặc thù tận dụng được tiềm năng thế mạnh của họ và bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng và cũng cần phải xem xét đến yếu tố địa phương, văn hóa và pháp luật về hỗ trợ cho người cao tuổi trong việc tìm kiếm công việc không chỉ là vấn đề xã hội quan trọng mà có thể tạo lợi ích kinh tế xã hội lớn cho quốc gia. Về hệ thống thông tin thị trường lao động, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về việc định kỳ rà soát, cập nhật bổ sung thông tin thị trường lao động vì nếu không thường xuyên rà soát biến động về cung, cầu lao động thì không cập nhật được đầy đủ thông tin và tình hình biến động lao động trên địa bàn và khu vực.

Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...