HỎI - ĐÁP VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026

Thứ 3, 20/04/2021 | 09:07:31
869 lượt xem

Hỏi - đáp về việc kiểm phiếu bầu cử

Việc kiểm phiếu được tiến hành như thế nào? Những ai được chứng kiến việc kiểm phiếu?

Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Trình tự tiến hành việc kiểm phiếu được thực hiện như sau:

- Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm kê (đếm), niêm phong phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử do cử tri gạch hỏng (nếu có), lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (theo Mẫu số 35/HĐBC); toàn bộ phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử bị gạch hỏng được niêm phong và gửi kèm theo biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu đến các Ban bầu cử tương ứng.

- Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử mời 02 cử tri là người biết chữ, có uy tín trong Nhân dân tại địa bàn và không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu đó chứng kiến việc mở hòm phiếu. Người ứng cử hoặc người đại diện hợp pháp của người ứng cử và các phóng viên được chứng kiến việc kiểm phiếu của Tổ bầu cử, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn để Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.

- Tổ trưởng Tổ bầu cử mở hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (nếu có) để tiến hành việc kiểm phiếu.

- Tổ bầu cử thực hiện việc phân loại phiếu bầu theo màu phiếu bầu đại biểu Quốc hội, màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; kiểm kê (đếm) tổng số phiếu trong hòm phiếu để xác định số phiếu thu vào và bàn giao các loại phiếu cho các nhóm đã được phân công của Tổ bầu cử để bắt đầu việc kiểm phiếu.

- Tổ bầu cử tiến hành kiểm tra tổng số phiếu thu vào so với tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nếu tổng số phiếu thu vào bằng hoặc ít hơn số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mới được tiến hành kiểm phiếu. Trường hợp tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải kiểm tra lại; nếu kiểm tra lại vẫn cho kết quả tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì lập tức niêm phong hòm phiếu và báo cáo ngay Ban bầu cử tương ứng để giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử thì Ban bầu cử phải kịp thời báo cáo Ủy ban bầu cử tương ứng để xem xét, quyết định.

Việc tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu được thực hiện như thế nào?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu (Điều 73). Để bảo đảm thực hiện quy định này, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn như sau:

Những người được tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu bao gồm:

- “Người ứng cử” là người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã được niêm yết ở khu vực bỏ phiếu.

- “Đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử” là người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử chỉ định, phân công bằng văn bản tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có người ứng cử là người do cơ quan, tổ chức, đơn vị mình giới thiệu.

- “Người được ủy nhiệm” là người được người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ủy quyền bằng văn bản để chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu mà người đó ứng cử. Văn bản ủy quyền phải được công chứng theo quy định của pháp luật. 

- “Phóng viên báo chí” là người có thẻ nhà báo còn hiệu lực, được cơ quan báo chí phân công, giới thiệu đến để chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Việc đăng ký tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu được thực hiện theo thủ tục sau đây:

- Người ứng cử xuất trình giấy Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác với Tổ trưởng Tổ bầu cử khi đề nghị tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu hoặc khiếu nại về việc kiểm phiếu.

- Đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử xuất trình văn bản phân công, chỉ định hoặc giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đơn vị và giấy Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác; người được ủy nhiệm xuất trình giấy ủy quyền và giấy Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác với Tổ trưởng Tổ bầu cử khi đề nghị tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu hoặc khiếu nại về việc kiểm phiếu.

- Phóng viên báo chí xuất trình thẻ nhà báo còn hiệu lực và văn bản phân công hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí với Tổ trưởng Tổ bầu cử khi đề nghị tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu.

- Trong quá trình chứng kiến việc kiểm phiếu, nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền khiếu nại, tố cáo tại chỗ với Tổ bầu cử. 

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra thành công tốt đẹp và đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người ứng cử và các cá nhân, tổ chức có liên quan, người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có trách nhiệm liên hệ trước với Tổ bầu cử về việc tham dự chứng kiến kiểm phiếu; quan sát quá trình Tổ bầu cử thực hiện việc kiểm phiếu từ vị trí đã được Tổ bầu cử bố trí; tuân thủ các quy định của pháp luật, nội quy phòng bỏ phiếu và sự hướng dẫn của Tổ bầu cử; bảo đảm an toàn, trật tự, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo với Tổ bầu cử nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm phiếu.

Phóng viên báo chí có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, nội quy phòng bỏ phiếu và sự hướng dẫn của Tổ bầu cử trong quá trình tác nghiệp; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tổ bầu cử; đưa tin, bài kịp thời, trung thực, chính xác về quá trình kiểm phiếu bầu cử để góp phần vào công tác thông tin, tuyền truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Phóng viên báo chí nước ngoài có nhu cầu tham dự, đưa tin về hoạt động trong ngày bầu cử tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 88/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2012 về Hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm, phóng viên báo chí tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu. Bố trí vị trí quan sát, chứng kiến thuận lợi nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động kiểm phiếu của Tổ bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc kiểm phiếu (nếu có) và ghi nội dung giải quyết vào biên bản. Trường hợp không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng. Tổ trưởng Tổ bầu cử có quyền yêu cầu người chứng kiến kiểm phiếu, phóng viên báo chí ra khỏi khu vực kiểm phiếu nếu người chứng kiến kiểm phiếu, phóng viên báo chí có hành vi vi phạm nội quy phòng bỏ phiếu, gây mất an toàn, trật tự, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Tổ bầu cử.

Những phiếu bầu cử nào là phiếu bầu cử hợp lệ?

Về nguyên tắc, phiếu bầu cử hợp lệ là phiếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: 

- Phiếu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử.

- Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số lượng đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Phiếu không ghi thêm tên người khác ngoài danh sách những người ứng cử hoặc ghi thêm nội dung khác.

Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu để bảo đảm phiếu bầu cử hợp lệ. Theo các hướng dẫn tại Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không được để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu. Tuy nhiên, trường hợp trên phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.

Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Tương tự như vậy, trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn () do những người ứng cử trong danh sách ghi trên phiếu có cả họ, tên và tên đệm giống nhau, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Những phiếu bầu cử nào là phiếu không hợp lệ?

Những phiếu bầu cử không hợp lệ là:

- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử.

- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Phiếu gạch xóa họ, tên của tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

Trong quá trình kiểm phiếu, nếu phát hiệu có phiếu bầu cử được cho là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên, nội dung ghi trên phiếu bầu.

Việc kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử được Tổ bầu cử thực hiện như thế nào?

Việc kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử chỉ thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 01 đại biểu; loại phiếu bầu 02 đại biểu; loại phiếu bầu 03 đại biểu,...

Tổ bầu cử kiểm phiếu theo từng loại phiếu bầu để làm căn cứ xác định số phiếu bầu cho từng người ứng cử.

Để việc kiểm phiếu được chính xác, Tổ bầu cử phân công ít nhất 03 người kiểm phiếu, gồm: 01 người đọc, 01 người ghi, 01 người kiểm tra việc đọc và ghi. Cách ghi số phiếu cho từng người ứng cử tham khảo theo cách vẽ lần lượt các hình vuông và 01 đường chéo, cứ 05 phiếu tạo thành một hình vuông có 01 đường chéo.

Việc tính và ghi tỷ lệ phần trăm (%) trong các biên bản kết quả bầu cử được thể hiện như thế nào?

Tỷ lệ phần trăm (%) trong các biên bản kết quả bầu cử được xác định đến số ở hàng thập phân thứ hai (chữ số thứ hai sau dấu thập phân) và được làm tròn số để bảo đảm tổng tỷ lệ phần trăm của các tiêu chí, thành phần là 100%. Nếu chữ số thứ ba sau dấu thập phân là từ 5 trở lên thì được làm tròn lên thêm 01 đơn vị vào chữ số ở hàng thập phân thứ hai. Ví dụ: 22,566% thì được làm tròn thành 22,57%.

Nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định như thế nào?

Nguyên tắc xác định người trúng cử được thực hiện như sau:

- Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

- Người trúng cử phải là người ứng cử có số phiếu bầu đạt quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.

- Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.

- Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Các khiếu nại, tố cáo tại chỗ về việc kiểm phiếu được giải quyết như thế nào?

Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nội dung giải quyết vào biên bản.

Trong trường hợp Tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng.

Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu gồm những nội dung gì?

Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử phải lập các loại biên bản sau đây: 

(1) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội tại khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 20/HĐBC-QH). 

(2) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 25/HĐBC-HĐND). 

(3) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện tại khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 25/HĐBC-HĐND). 

(4) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tại khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 25/HĐBC-HĐND).

Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử gồm các nội dung sau đây:

- Tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu (theo danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu được cập nhật đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, thống kê riêng theo tổng số cử tri có quyền bầu cử đại biểu ở cấp tương ứng).

- Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu (riêng cho mỗi loại biên bản).

- Số phiếu phát ra (riêng cho mỗi loại biên bản).

- Số phiếu thu vào (riêng cho mỗi loại biên bản).

- Số phiếu hợp lệ (riêng cho mỗi loại biên bản).

- Số phiếu không hợp lệ (riêng cho mỗi loại biên bản).

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử (riêng cho mỗi loại biên bản).

- Những khiếu nại, tố cáo nhận được; những khiếu nại, tố cáo đã giải quyết và kết quả giải quyết (riêng cho mỗi loại biên bản).

- Những khiếu nại, tố cáo chuyển đến từng loại Ban bầu cử (tương ứng với từng loại việc bầu cử cụ thể).

Việc xác định tỷ lệ phần trăm cử tri đã tham gia bỏ phiếu so với tổng số cử tri trong từng loại biên bản phải căn cứ vào số cử tri đã tham gia bỏ phiếu so với tổng số cử tri có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, tổng số cử tri có quyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng cấp.

Mỗi loại biên bản được lập thành 03 bản, có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử và 02 cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Biên bản được gửi đến Ban bầu cử tương ứng và Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chậm nhất là ngày 26 tháng 5 năm 2021 (hoặc 03 ngày sau ngày bầu cử). 

Biên bản xác định kết quả bầu cử của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử gồm những nội dung gì?

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử và tình hình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ban bầu cử đại biểu Quốc hội lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở đơn vị bầu cử mà mình phụ trách (theo mẫu 21/HĐBC-QH).

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội gồm các nội dung sau đây:

- Số lượng đại biểu Quốc hội được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Tổng số cử tri của đơn vị bầu cử.

- Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri của đơn vị bầu cử.

- Số phiếu phát ra.

- Số phiếu thu vào.

- Số phiếu hợp lệ.

- Số phiếu không hợp lệ.

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử (có tỷ lệ % so với tổng số phiếu hợp lệ).

- Danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử. 

- Tóm tắt những việc xảy ra, kiến nghị về việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).

- Những khiếu nại, tố cáo do các Tổ bầu cử giải quyết; những khiếu nại, tố cáo do Ban bầu cử đại biểu Quốc hội giải quyết.

- Những khiếu nại, tố cáo chuyển đến Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Biên bản xác định kết quả bầu cử bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở đơn vị bầu cử được lập thành 03 bản, có chữ ký của Trưởng ban, các Phó Trưởng Ban bầu cử. Biên bản được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chậm nhất là ngày 28 tháng 5 năm 2021 (hoặc 05 ngày sau ngày bầu cử). 

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm những nội dung gì?

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử và tình hình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2016 ở đơn vị bầu cử mà mình phụ trách (theo mẫu 26/HĐBC-HĐND).

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm những nội dung sau đây:

- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Số lượng người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

- Tổng số cử tri của đơn vị bầu cử.

- Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri của đơn vị bầu cử.

- Số phiếu phát ra.

- Số phiếu thu vào.

- Số phiếu hợp lệ.

- Số phiếu không hợp lệ.

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử (có tỷ lệ % so với tổng số phiếu hợp lệ).

- Danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

- Tóm tắt những việc xảy ra, kiến nghị về việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).

- Những khiếu nại, tố cáo do các Tổ bầu cử giải quyết; những khiếu nại, tố cáo do Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giải quyết; những khiếu nại, tố cáo chuyển đến Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở đơn vị bầu cử được lập thành 04 bản, có chữ ký của Trưởng ban, các Phó Trưởng Ban bầu cử. Biên bản được gửi đến Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chậm nhất là ngày 28 tháng 5 năm 2021 (hoặc 05 ngày sau ngày bầu cử).

 Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện gồm những nội dung gì?

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử và tình hình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 ở đơn vị bầu cử mà mình phụ trách (theo mẫu 26/HĐBC-HĐND).

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện gồm những nội dung sau đây:

- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Số lượng người ứng cử.

- Tổng số cử tri của đơn vị bầu cử có quyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện.

- Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri của đơn vị bầu cử.

- Số phiếu phát ra.

- Số phiếu thu vào.

- Số phiếu hợp lệ.

- Số phiếu không hợp lệ.

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử (có tỷ lệ % so với tổng số phiếu hợp lệ).

- Danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện.

- Tóm tắt những việc xảy ra, kiến nghị về việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).

- Những khiếu nại, tố cáo do các Tổ bầu cử giải quyết; những khiếu nại, tố cáo do Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện giải quyết; những khiếu nại, tố cáo chuyển đến Ủy ban bầu cử ở cấp huyện.

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở đơn vị bầu cử được lập thành 04 bản, có chữ ký của Trưởng ban, các Phó Trưởng Ban bầu cử. Biên bản được gửi đến Ủy ban bầu cử ở cấp huyện, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chậm nhất là ngày 28 tháng 5 năm 2021 (hoặc 05 ngày sau ngày bầu cử).

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã gồm những nội dung gì?

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử và tình hình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 ở đơn vị bầu cử mà mình phụ trách (theo mẫu 26/HĐBC-HĐND).

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã gồm những nội dung sau đây:

- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Số lượng người ứng cử.

- Tổng số cử tri của đơn vị bầu cử có quyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

- Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri của đơn vị bầu cử.

- Số phiếu phát ra.

- Số phiếu thu vào.

- Số phiếu hợp lệ.

- Số phiếu không hợp lệ.

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử (có tỷ lệ % so với tổng số phiếu hợp lệ).

- Danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

- Tóm tắt những việc xảy ra, kiến nghị về việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).

- Những khiếu nại, tố cáo do các Tổ bầu cử giải quyết; những khiếu nại, tố cáo do Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã giải quyết; những khiếu nại, tố cáo chuyển đến Ủy ban bầu cử ở cấp xã.

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở đơn vị bầu cử được lập thành 04 bản, có chữ ký của Trưởng ban, các Phó Trưởng Ban bầu cử. Biên bản được gửi đến Ủy ban bầu cử ở cấp xã, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chậm nhất là ngày 28 tháng 5 năm 2021 (hoặc 05 ngày sau ngày bầu cử). 

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm những nội dung gì?

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở địa phương (theo Mẫu số 22/HĐBC-QH).

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm các nội dung sau đây:

- Số lượng đơn vị bầu cử.

- Số lượng người ứng cử.

- Tổng số cử tri của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri của địa phương.

- Số phiếu hợp lệ.

- Số phiếu không hợp lệ.

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử (có tỷ lệ % so với tổng số phiếu hợp lệ).

- Danh sách những người trúng cử theo từng đơn vị bầu cử (có tỷ lệ % so với tổng số phiếu hợp lệ).

- Những khiếu nại, tố cáo do Tổ bầu cử, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội đã giải quyết.

- Những việc quan trọng đã xảy ra và kết quả giải quyết.

- Những khiếu nại, tố cáo do Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã giải quyết.

- Những khiếu nại, tố cáo và kiến nghị chuyển đến Hội đồng bầu cử quốc gia.

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lập thành 04 bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử. Biên bản được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chậm nhất là ngày 30 tháng 5 năm 2021 (hoặc 07 ngày sau ngày bầu cử).

PV Tổng hợp

  • Từ khóa
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương

Nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV, sáng 25/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...