Mua thuốc cho trẻ qua mạng – Tiền mất tật mang

Thứ 6, 18/08/2023 | 14:00:00
934 lượt xem

Cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận với đa dạng dịch vụ trên internet. Trong đó, có cả khám bệnh và mua bán thuốc online. Song, đáng ngại là hiện đang xuất hiện một số tổ chức, cá nhân lợi dụng những tiện ích này để mạo danh bác sĩ, bệnh viện lớn, bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng. Thậm chí còn bán cho cả đối tượng sử dụng là trẻ em, đánh vào tâm lý “có bệnh vái tứ phương” của các bậc phụ huynh. Hậu quả là “tiền mất, tật mang”.

Người nhà đưa bệnh nhi đến cơ sở y tế để khám bệnh sau nhiều ngày cho con uống thuốc tự mua trên mạng mà không đỡ 

Sau khi thấy con ho sốt nhiều ngày liền, thay vì đưa con đến cơ sở y tế, thì người nhà bệnh nhi lại cho con uống thuốc do mẹ mua trên mạng. Đến khi bệnh ngày càng nặng, đi khám thì đã có nguy cơ biến chứng. 


Người nhà bệnh nhi: “Có trang facebook đăng là bệnh viện Nhi Thái Bình, thấy thế tôi rất yên tâm, họ có bán thuốc gửi về cho tôi dùng cho cháu. Nhưng 3, 4 ngày không khỏi, tôi cho cháu lên đây thì nghe bác sĩ giải thích là bệnh viện không bán thuốc gửi về. Cái trang đấy sau đó tôi lên facebook tìm lại thì không thấy nữa, tôi mới biết đấy là lừa đảo.”


 

Bác sĩ CKII Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình: “Bệnh viện chúng tôi cũng có những trang web chính thống cung cấp rất nhiều tài liệu liên quan đến bệnh viện chứ không đơn thuần chỉ bán thuốc, thực phẩm chức năng. Nếu các bậc phụ huynh thấy các trang mạng chỉ đơn thuần bán, giới thiệu thực phẩm chức năng hoặc những bình luận không phù hợp, lợi dụng bán các mặt hàng khác hoặc các loại thuốc thì đó không phải của bệnh viện chúng tôi.”

 Bệnh viện Nhi Thái Bình điều trị nhiều bệnh nhân nguy kịch do sử dụng thuốc tràn lan trên mạng

Đến nay, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã tiếp nhận không ít trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, suy thận nặng, phải điều trị tích cực, thậm chí là lọc máu, mới có thể cứu sống được. Nguyên nhân đến từ những đơn thuốc mà phụ huynh mua trên mạng. 


Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quý, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thái Bình: “Tin theo tư vấn của các trang mạng cũng như các bác sĩ trên mạng mà không rõ lý lịch cũng như độ tin cậy thấp, rất dễ để lại hậu quả đáng tiếc, làm cho trẻ chậm trễ trong điều trị, có thể dẫn đến trẻ trở nặng rất nhanh và nguy cơ tử vong cao.”

 Nhiều trang web giả mạo các cá nhân, đơn vị uy  tín để bán thuốc 

Không chỉ có tình trạng giả mạo những cá nhân, đơn vị uy tín để bán thuốc, mà hiện còn có nhiều trang web bán thuốc nam, thực phẩm chức năng cho trẻ với lời quảng cáo là không tác dụng phụ, hiệu quả lại nhanh chóng, chữa được cả những ca bệnh khó mà không cần phẫu thuật. Không ít phụ huynh “sập bẫy”. 



Bác sĩ CKII Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình: “Các bậc phụ huynh khi có con nhỏ, nếu muốn thăm khám tư vấn thì nên đưa con đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, tuyệt đối không tự ý mua thuốc, tự ý sử dụng thuốc.” 



Để hạn chế việc sử dụng thuốc bừa bãi cũng như các “thầy thuốc dỏm” bán thuốc tràn lan, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cơ quan chức năng và cả mỗi người dân. Phụ huynh cần tỉnh táo khi lựa chọn bất kỳ phương pháp điều trị nào, không nên tin vào những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo mà đánh đổi sức khỏe của con em mình.

Hà My



  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...