Thực trạng làm thêm giờ của người lao động

Thứ 7, 10/08/2019 | 16:08:15
4,087 lượt xem

Thực tế không thể phủ nhận tìm dược một việc làm phù hợp tại một công ty, doanh nghiệp, được xem là cơ hội may mắn của không ít người lao động. Tuy nhiên với mức lương trung bình của một công nhân khoảng 6 - 7 triệu đồng/ 1 người/ 1 tháng với rất nhiều khoản phải chi tiêu, thì không ít người lao động đã phải xoay xở và làm thêm giờ, tăng ca. Vậy hệ lụy của vấn đề này như thế nào khi mà người lao động có nhu cầu làm thêm giờ?

Khu nhà trọ tại phường Phú Khánh, Thành phố Thái Bình với hàng chục hộ gia đình công nhân đang sinh sống tại đây.Gia đình chị Vũ Thị Lê, là công nhân lao động tại công ty may TEX Hong, khu công nghiệp Đài Tín đã có 10 năm sống tại khu nhà trọ chỉ vẻn vẹn với mức lương của hai vợ chồng là công nhân, hơn chục triệu đồng/ tháng, không thể đủ chi phí cho cả gia đình gồm 4 khẩu. Để có thêm thu nhập, cả hai vợ chồng chị Lê đều phải tăng ca, làm thêm giờ. 

Chị Vũ Thị Lê - công nhân công ty may TEX Hong, khu công nghiệp Đài Tín: Ngày nào cũng 8h tối mới về đến nhà, cũng mệt mỏi không muốn ăn uống gì cả, con cái cũng vậy, bố mẹ cũng thế, mệt mỏi sẽ rất ảnh hưởng tới sức khỏe...







Còn đối với chị Phạm Thị Thu, lao động làm việc tại Công ty Ngũ Kim, khu công nghiệp Phúc Khánh, Thành phố Thái Bình, chồng công tác xa, chị Thu nuôi con nhỏ. Những thời điểm phải làm thêm giờ cũng là một áp lực không hề nhỏ. 

Chị Phạm Thị Thu - Công ty Ngũ Kim, khu công nghiệp Phúc Khánh, Thành phố Thái Bình :Có những hôm 8 - 9 giờ về đến nhà, trên đường đi chúng tôi là con gái, sợ cướp giật, tai nạn giao thông, nhiều lúc cũng thấy nguy hiểm, trong khi đó thì con cái ở nhà không biết đã được ăn uống, tắm rửa chưa...

Đối với những công nhân đã lập gia đình riêng thì như vậy, còn không ít những lao động trẻ làm việc tại các công ty, doanh nghiệp vì quá bận mải với công việc, không chỉ sức khỏe bị ảnh hưởng mà còn không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội khác, thậm chí không còn cơ hội để tìm hiểu, chọn bạn đời, xây dựng hạnh phúc riêng của mình. 




 Anh Vũ Đình Dũng - công nhân xí nghiệp may Thái Hà: Tình trạng bây giờ tôi thấy ở các công ty, doanh nghiệp lao động trẻ vào rất nhiều, tràn lan, khi vào đó thì người ta làm quá nhiều, quên đi nghĩa vụ phải lập gia đình, kể cả phụ nữ và đàn ông nhiều người quá tuổi, họ mải mê làm việc và họ không đi lấy chồng...







Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, thì chỉ có trên 30% số lao động có nhu cầu làm thêm giờ. Như vậy phần lớn người lao động đều cho rằng cái được khi công nhân làm thêm giờ, tăng ca thì chỉ là được thêm một khoản thu nhập, còn cái mất vẫn nhiều hơn như sức khỏe hao mòn, thời gian dành cho việc chăm lo gia đình, tham gia các hoạt động xã hội, để nâng cao nhận thức, hiểu biết…

Đối với các doanh nghiệp, khi người lao động làm thêm giờ thì tăng năng suất lao động, khai thác tối đa được sự đầu tư về công nghệ, trang thiết bị, máy móc… Nhưng khi người lao động làm thêm giờ không phù hợp, dẫn đến tình trạng ốm đau, nghỉ làm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực của công ty…

Chị Lê Thị Hồng Quyên - xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình : Tan ca thì được 25.000đ/1 tiếng. Thời gian dành cho con cái còn ít hôm nào cũng phải 8 giờ mới được về không xứng với sức lao động mình bỏ ra...








Chị Nguyễn Thị Hương - xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình : Nói chung là rất vất vả vừa con cái lại mình thì mệt mỏi, đi làm thì chỉ muốn về sớm, không muốn tăng ca một chút nào cả...

Người lao động làm thêm giờ, tăng ca cái mất nhiều hơn cái được, tuy nhiên do điều kiện kinh tế còn khó khăn một số công nhân lao động vẫn có nhu cầu làm thêm giờ. Vấn đề này cần được sự quan tâm của các chủ sử dụng lao động và tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp cho người lao động.





 Giải pháp cân đối việc làm thêm giờ cho phù hợp cho người lao động

Một bộ phận người lao động có nhu cầu làm thêm giờ với mong muốn tăng thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống là một thực tế. Tuy nhiên đằng sau đó kéo theo không ít hệ lụy, cần phải có giải pháp cân đối việc làm thêm giờ cho phù hợp.Việc làm thêm giờ của người lao động được quy định rõ tại điều 106, Bộ luật Lao động năm 2012,  rất cần phải cân đối cho phù hợp để đảm bảo đúng quy định số giờ làm thêm trong 1 tháng, 1 tuần và 1 ngày, để người lao động có thể tái tạo sức lao động, phục vụ cho các công ty, doanh nghiệp. 

Ông Phạm Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở lao động Thương binh và Xã hội Thái Bình: Luật lao động 2012, trong đó Điều 106 có quy định làm thêm giờ thì phải được sự đồng ý của người lao động. Hai là số giờ làm thêm tối đa trên 1 ngày không vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trên 1 ngày và không quá 30 giờ trong tháng, không có 200 giờ trên 1 năm . Về phía quan điểm của quản lý Nhà nước thì chúng tôi thấy là các doanh nghiệp cũng như người lao động cần phải tuân thủ theo đúng quy định trên và phải thực hiện nghiêm quy định cho người lao động...




Đặc thù của ngành Dệt, May, Da giày thường phải tăng ca, làm thêm nhiều hơn, vì phụ thuộc vào việc nhập nguyên, phụ liệu… Một trong những biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cân đối phù hợp việc làm thêm giờ đó là người lao động trước hết phải nâng cao ý thức trách nhiệm ngay trong thời gian, số giờ làm việc theo quy định. Đối với các doanh nghiệp, nếu vào thời điểm phải sử dụng lao động tăng ca, thêm giờ cũng cần cân nhắc biện pháp linh hoạt, phù hợp nhất. 

Ông Trần Trọng Kim - phụ trách Xí nghiệp May Thái Hà : Để giải quyết việc làm thêm giờ hiệu quả thì doanh nghiệp chúng tôi đã quan tâm đến sức khỏe công nhân, thứ hai là giải quyết đầy đủ chế độ cho người lao động, thứ ba vẫn phải tạo cho người lao động được thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động để chăm lo cho gia đình...







Ông Lê Đại Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Đam San: Chúng tôi luôn tham mưu và phối hợp cùng với Ban lãnh đạo bảo đảm quyền lợi cho người lao động chính đáng, hợp pháp, đúng theo luật lao động...








Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc làm thêm giờ, tăng ca của công nhân lao động chỉ ở một số thời điểm, mùa vụ do đặc thù, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh; song cho dù là việc làm thêm giờ ở bất kỳ thời điểm nào thì việc đáng quan tâm nhất vẫn là sức khỏe, sự an toàn cho người lao động. Bởi người lao động là tài sản quý, là sự tồn tại sống còn của mỗi doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cân nhắc, vận dụng các giải pháp phù hợp để người lao động làm thêm giờ, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động . 

Phương Duyên                                                                                                                              

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...