Bãi Tư Chính và tầm nhìn chiến lược xây dựng nhà giàn DK1

Thứ 3, 06/08/2019 | 10:34:43
6,748 lượt xem

Nằm án ngữ trên đường hàng hải Quốc tế qua Biển Đông, vùng biển DK1 với diện tích khoảng 80.000km2, không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng về An ninh-Quốc phòng, mà khu vực này còn rất giàu có về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển.

Những ngày tháng 7 này, khi sóng gió nổi lên ở bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, những người đã từng nhiều lần vật lộn với bão biển góp công sức, trí tuệ để làm nên những công trình nhà giàn không khỏi bứt rứt.

Dù đã bước sang tuổi 87 nhưng Đại tá Nguyễn Quý vẫn còn hết sức minh mẫn khi bắt đầu câu chuyện của mình về vùng biển rộng lớn DK1. Hơn 30 năm trước, khi ấy, ông là Cục trưởng Cục kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Công Binh, Trưởng Ban xây dựng DK1 đầu tiên giai đoạn 1990-1996. Sau sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), với nhận thức rằng, nước ngoài sẽ bành trướng sang các đảo khác ở Trường Sa và có thể nhòm ngó sang các khu vực khác, nhất là khu vực DK1, nơi Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí, cách đất liền 250-350 hải lý. 

Theo đề  nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “ Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kỹ thuật ”.

Đại tá Nguyễn Quý, Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Công binh, Trưởng Ban xây dựng DK1: Nói về nhà giàn DK1 thì điều đầu tiên tôi muốn nói công đầu thuộc về đồng chí Tư lệnh Hải Quân đô đốc Giáp Văn Cương, với tầm nhìn chiến lược, đồng chí cử  Lữ đoàn 171 Hải quân đi khảo sát vùng biển đông nam của Tổ quốc, thì phát hiện ra có 6 bãi đá ngầm, và một bãi bùn ở phía Cà Mau, 6 bãi đá ngầm gồm: Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Huyền Trân, Quế Đường và Ba Kè. Còn phía Cà Mau thì có một bãi bùn gọi là bãi bùn Cà mau. Sau khi đi khảo sát về báo cáo Bộ Quốc Phòng báo cáo Bộ Chính trị chúng ta phải xây dựng công trình trên các bãi đá ngầm này để ta khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển hết sức rộng lớn và giàu có này




Nằm trong DK1, bãi ngầm Tư Chính có diện tích 700 km2, chiều dài khoảng 50- 60km, chiều rộng 11km, có chỗ phình ra hơn 20km. Nơi đây có vị trí chiến lược rất quan trọng, gần sát nhất các mỏ dầu chúng ta đang khai thác. Chính vì vậy mà năm 1989, DK1 đầu tiên được xây dựng ở Tư Chính. Một năm sau đó, chúng ta làm tiếp một nhà giàn nữa cũng ở Tư Chính theo cách “chặn đầu, khóa đuôi”. Và đến năm 1995 ta đã có thêm Tư Chính 3,4 và 5. 

Đại tá Nguyễn Quý, Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Công binh, Trưởng Ban xây dựng DK1: Vị trí Tư Chính rất quan trọng, nếu ta đi từ đất liền ra thì cùng đang khai thác dầu khí của chúng ta là Thanh Long, Bạch Hổ, Đại Hùng và một vài cái nữa thì đến Tư Chính, cho nên Tư Chính như cái hàng rào, dậu, là tiền đồn của vùng dầu khí của ta. Nếu địch đặt chân được vào Tư chính thì nó khống chế toàn bộ khu dầu của chúng ta và nó khống chế toàn bộ bãi ngầm DK1. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ra chỉ thị động viên các lực lượng làm gấp rút để đưa công trình ra xây dựng trên biển, được 3 cái thì tốt, nếu không thì 1 cũng ra, đặc biệt ưu tiên ở Tư Chính.





 

Với 5 công trình Nhà giàn trải đều trên diện tích bãi ngầm Tư Chính có diện tích 700 km2, hệ thống Nhà giàn này đã tạo thành thế liên hoàn khép kín. Cùng với bãi ngầm Tư Chính, đến nay trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc chúng ta đã lắp dựng được 19 nhà DK1, trên 6 bãi ngầm san hô.

 Đây có thể coi là thế hệ nhà giàn thứ 2 bởi nó được xây dựng với kinh nghiệm cùng kỹ thuật tiên tiến hơn, bên cạnh những nhà giàn cũ đã xuống cấp. Ở đây, điều kiện sinh hoạt của bộ đội nhà giàn cũng được tốt hơn, tiện nghi hơn. 

Đại tá Nguyễn Bá Hiểu, Nguyên trưởng Ban quản lý dự án công trình DK1 giai đoạn 2005-2016: Các công trình đã được xây dựng khang trang hơn, tổng diện tích gấp 5 đến 7 lần công trình cũ. Giờ thiết kế tính bão cấp 15 sóng cao đến 17 mét, tính cho đến mức sóng thần. Từ khi có công trình, ta cũng tuyên bố cho thế giới và khu vực biết đây là những trạm kinh tế dịch vụ khoa học kỹ thuật chứ không phải là những điểm căn cứ quân sự. Chức năng nghiên cứu khoa học về biển, làm chỗ dựa cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ, về nghiên cứu khí tượng thủy văn. Ngoài ra còn là khẳng định mốc chủ quyền





Thiếu tướng Hoàng Kiền - Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh: Chúng ta tự hào với công trình này, chúng ta có điều kiện để cho bộ đội chốt giữ trên biển tốt hơn, có điều kiện cung cấp dịch vụ hậu cần cho các hoạt động trên biển nói chung và ngư dân trên biển, tốt hơn. Nó là vi trí quan trọng là công trình khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển. Trên thế giới chưa có nước nào làm nhà giàn, đóng cọc sắt trên nền san hô. Chỉ có Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất hiện nay trên thế giới đóng cọc trên nền san hô làm công trình trên đó thành công.





Suốt 30 năm qua, nhà giàn DK1 đã thực sự trở thành vành đai thép trên biển, phục vụ hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển, tạo sự liên hoàn từ đất liền ra quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. 

Dẫu sóng gió và bão tố có nổi lên thì nó sẽ mãi mãi trường tồn với Tổ Quốc Việt Nam./.

Theo TTXVN

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...