Đền Đợi, xưa thuộc trang Dụ Đại, nay là thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền Đợi nằm ở phía Đông của tỉnh Thái Bình, cách Thành Phố Thái Bình khoảng 17 km, từ trung tâm thành phố Thái Bình theo quốc lộ 10 hướng đi Hải Phòng. Đền Đợi, nơi thờ tự Thánh bà Ma Thị Thái và Đức thánh Quý Minh đại vương.
Đền Đợi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2010. Nói về tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu thì hiếm có di tích lịch sử nào trong tỉnh lại có thần tích sinh động như Đền Đợi.
Theo các cao niên trong làng kể lại thời vua Hùng thứ 18, hiệu là Duệ Vương tại động Lăng Xương, đất Châu Thành, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây có 2 anh em nhà họ Nguyễn. Người anh tên là Nguyễn Cao Hành, vợ là Đinh Thị Đen, người em là Nguyễn Cao Khang, vợ là Bùi Thị Hương. Tuy tuổi đã cao nhưng 2 anh em nhà họ Nguyễn chưa có con để nối dõi. Một hôm 2 phu nhân rủ nhau lên Tản Viên sơn kiếm củi, khi 2 chị em đi tới phiến đá to, 2 chị em bỗng thấy rồng vàng từ trên trời rơi xuống, mây lành bao phủ, rồng vàng phun nước như mưa, khí thiêng lan tỏa. Khi rồng bay đi, 2 chị em dâu thấy hương bay ngào ngạt, nước giếng trong như ngọc, 2 chị em liền xuống tắm rồi mang thai từ đấy. Đến ngày rằm tháng giêng năm Đinh Tỵ, giữa giờ Thìn cả 2 phu nhân đều trở dạ. Người chị sinh ra 1 cậu con trai, người em sinh ra 1 cái bọc nở ra 2 cậu con trai. Cả 3 đều khôi ngô, tuấn tú. Sau 100 ngày, 2 chị em dâu đặt tên cho con mình là Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển và Nguyễn Quý. Khi 3 anh em được 6 tháng tuổi thì mồ côi cha mẹ, 3 anh em gặp được bà Ma Thị – Cao Sơn Thần Nữ - tức bà chúa Thượng ngàn nhận làm con nuôi. Khi 3 anh em 12 tuổi, họ theo học Lý Đường tiên sinh, cả 3 đều được Thái Bạch Kim Tinh ban cho gậy đầu sinh đầu tử tức gậy trúc thượng võ. Cả 3 anh em đều trở thành người đức độ tài cao, thần thông biến hóa và trở thành vị thần thánh của núi Tản.
Ông Vũ Duy Dũng, Thủ nhang Đền Mẫu Đợi, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ: Theo tương truyền vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, tướng bộ lạc Tây Vu là Thục Chế sai con trai Thục Phán sang cướp nước Văn Lang. Vua Hùng cho gọi 3 anh em thánh Tản (là Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển và Nguyễn Quý) vào triều. Sau khi nghe 3 anh em thánh Tản dâng kế sách đánh đuổi giặc, Nguyễn Quý được Vua Hùng phong chức Tả Đô đốc chặn giặc ở cửa Hải Khẩu thần phù. Từ kinh thành về tới trang Dụ Đại (tức thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ ngày nay) ngài cho quân nghỉ lại. Nhìn dải đất màu mỡ, cây cối tốt tươi, lại có long chầu hổ phục, ngài truyền cho quân lính và nhân dân Dụ Đại xây dựng đền thờ thánh Mẫu. Trước khi ra trận, ngài khấn mẹ rằng “mẹ hãy đợi con thắng trận trở về”, và cái tên về đền Mẫu Đợi có từ ngày đó.
Nói về kiến trúc Đền Đợi ngày nay, ngay từ cổng vào là cửa tam quan, tại đây có lưu bút 2 câu đối nói về sự tích của đền Đợi:
A Vũ cao tiêu bình quận Bắc
Hưng Yên tàng rẫn đại giang Đông
(Tạm dịch: Nơi tướng quân Nguyễn Quý (Quý Minh Đại Vương) xuất binh đánh tan quân giặc phương Bắc – Đền Đợi nhìn về hướng ngã ba sông Bạch Hạc nơi ngài thắng trận).
Đền chia làm 3 gian: Bên trong là cung cấm, nơi thờ tự Thánh bà Ma Thị Thái, với cỗ khám gian cổ và tượng của Thánh Bà. Tiếp đến là đền thờ Đức thánh Quý Minh đại vương và gian đại bái ngoài cùng. Hiện trong đền Đợi còn lưu giữ được 7 sắc phong của các triều đại.
Ông Lê Hữu Nhoạn - Phó Ban quản lý di tích Đền Đợi, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ: Ngôi đền những năm chống Pháp là căn cứ kháng chiến, sau là trường học cho học sinh tiểu học và cũng là nơi bàn bạc những chuyện đại sự trong làng. Nói về tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ văn hóa tâm linh thì ngôi đền từ xưa đến nay luôn được người dân khắp vùng tôn sùng.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Đền Đợi nơi thờ tự Thánh bà Ma Thị Thái và Thánh tản Quý Minh Đại Vương, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2010. Nói về tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu thì hiếm có di tích lịch sử nào trong tỉnh lại có thần tích sinh động như Đền Đợi. Hằng năm, cứ vào tháng 4 âm lịch người dân Dụ Đại lại mở hội đền Mẫu Đợi.
Ông Phạm Mạnh Thơi, Ủy viên Ban khánh tiết Đền Đợi, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ: Lễ hội đền Đợi hàng năm tổ chức từ ngày 6/4—16/4 âm lịch, có phần lễ và phần hội. Đặc biệt, trong phần lễ có lễ rước nước, từ ngã ba sông Quỳnh Trang về đền, để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con dân làng nghề bánh đa làm ăn thuận lợi. Những sản vật như bánh đa làng nghề được người dân mang đến làm lễ trong ngày lễ hội.
Thần tích về Đền Đợi, về truyền thống văn hóa tín ngưỡng phụng thờ thánh bà Ma Thị Thái và thánh tản Quý Minh Đại Vương được con cháu muôn đời của làng Dụ Đại lưu truyền. Câu chuyện về vị thánh tản Quý Minh Đại Vương, với lễ rước nước cầu cho mưa thuận gió hòa, để sản sinh ra những hạt gạo thơm ngon, đã mang lại cho con dân tại Dụ Đại, một công việc, một làng nghề làm bánh đa truyền thống….
Nghề làm bánh đa ở nơi đây cứ cha truyền con nối, họ gắn bó với nghề và có một cuộc sống no ấm từ nghề. Đó cũng là ơn đức mà người dân Dụ Đại luôn nhớ đến khi kể về vị thánh tản Quý Minh Đại Vương.
Phương Thúy
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét, biểu quyết thông qua các dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...