Chuyện chùa Phúc Sơn, thôn Đồng Đại, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư

Thứ 3, 25/06/2019 | 09:20:57
9,324 lượt xem

Chùa Phúc Sơn, thôn Đồng Đại, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư có hàng nghìn năm tuổi được xây dựng trên 1 gò đất cao, ví tựa đầu rồng, phía trước và phía sau chùa đều có 1 hồ nước, tượng chương cho đôi mắt rồng. Đặc biệt, chùa Phúc Sơn được bao quanh bởi dòng sông uốn lượn. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1434 và là biểu tượng văn hóa tâm linh của người dân tại xã Đồng Thanh cho đến ngày nay.

Theo truyền thuyết, Chùa Phúc Sơn, thôn Đồng Đại, xã Đồng Thanh, được bà Linh nhân Đỗ Thị Khương, Hoàng hậu vua tiền Lý Nam Đế xây dựng từ thế kỷ thứ VI và lúc đó chùa chỉ có 3 gian nhỏ. Đến thế kỷ thứ XVI, Hoàng hậu nhà Trần về cầu tự đắc tự sinh ra vua Trần Duệ Tông, nên được vua Trần Duệ Tông cho tôn tạo, xây dựng lại và tồn tại đến ngày nay. 

Trong chùa còn ghi lại 2 câu đối nói đến cảnh đẹp:

“Chiêu tòng Trần đại thiên niên tự 

Tích ký Xương Châu đệ nhất Nam”

(Tạm dịch: Đời Vua Trần trùng tu tôn tại cho đẹp đẽ

 Đây là ngôi chùa đẹp nhất châu huyện Kiến Xương thời bấy giờ).

Nói về kiến trúc của ngôi chùa Phúc Sơn thì đây là ngôi chùa có kiến trúc kết hợp đan xen giữa thời nhà Lê và nhà Nguyễn. Chùa gồm có Cổng, sân chùa, bái đường 5 gian uy nghiêm, cổ kính và bên cạnh là nhà thờ tổ, nơi thờ chân linh bài vị của 13 dòng họ trong làng, đã có công lập làng cho đến ngày nay.

Ông Đỗ Mạnh Hải, Tiểu ban quản lý di tích chùa Phúc Sơn, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư: Bước vào chùa là cửa tam quan, sân chùa và bái đường 5 gian. Nội thất chùa làm theo lòng thuyền tứ trụ. Tòa hậu cung 5 gian, tượng phật còn 33 pho, nghệ thuật đắp tượng phong cách thời Nguyễn, trong đó có phong tượng cửu long bằng đồng rất đẹp.

Chùa Phúc Sơn, trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, gắn liền với quá trình lập làng, giữ đất. Bởi đây vốn là căn cứ kháng chiến xưa và cũng là nơi lưu giữ những kỷ niệm ấu thơ của người dân nơi đây. Từ xa xưa đến nay, chùa Phúc Sơn là nơi con dân Đồng Thanh đi xa về gần cầu mong mọi sự bình an.

Trong khuôn viên chùa rợp bóng cây xanh. Đẹp nhất phải kể đến hai cây đại cổ thụ, có tuổi thọ gần 700 năm với bộ gốc xù xì, cành cong queo như rồng bay, phượng múa, như ghi lại mọi dấu ấn thời gian và sự phát triển của quần thể cư dân nơi đây. Tháng 8 năm 2014, 2 cây đại hoa trắng cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. 

Ông Đỗ Mạnh Hải, Tiểu ban quản lý di tích chùa Phúc Sơn, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư: Năm canh thìn 1348, vợ chồng ông Hoàng Văn Thạnh và Phạm Thị Hạnh ở Quảng Tây, Trung Quốc, buôn bán ở Việt Nam, sinh ra 2 người con trai, con gái đều bị câm. Sau khi về chùa cầu tự tại chùa thì sinh được người con trai, sau đó 2 vợ chồng mang 2 cây đại ở chùa Non nước, Ninh Bình, nên mang 2 cây đại này từ Ninh Bình, để phúc nghĩa.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chùa Phúc Sơn đến nay, vẫn còn lưu giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm, như thửa ban đầu. Năm 2002 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, cứ vào 2 ngày 14, 15 tháng 7 âm lịch là Chùa Phúc Sơn lại tổ chức lễ hội chợ đời. Đây là lễ hội chính của Chùa trong năm để tưởng nhớ và tế lễ chân linh 13 dòng họ trong làng đã có công khai khẩn, mở mang vùng đất Đồng Thanh xưa. 

Ông Vũ Viết Doanh, Cán bộ văn hóa xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư: Người Đồng Thanh xưa có câu đồng dao: Dù ai đi đâu về đâu/Nhớ rằm tháng 7/ Rủ nhau mà về/ Về chùa lễ hội thăm quê/ Nghìn năm văn hiến/ Nhớ về đừng quên.

Câu đồng dao đã đi vào tiềm thức của người dân Đồng Thanh khi nói về lễ hội Chợ đời hay lễ hội Chợ tiên. Lễ hội Chợ đời được tổ chức với 2 phần, là phần lễ và phần hội, với lễ thỉnh kinh, lễ cầu siêu, lễ tế tổ, lễ rước nước, cùng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ như múa lân, hát chèo, múa trống… và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác.

Ông Vũ Viết Doanh, Cán bộ văn hóa xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư: Đặc biệt tại lễ hội có phần lễ rước nước, có 8 thanh niên trai tráng trong làng, chưa vợ con, được lựa chọn để rước kiệu, cùng nhiều tín đồ phật tử và người dân tại địa phương đi rước nước ở ngã sông Trà về. Cầu phúc cho người dân, cho mùa màng được bội thu, nhân dân mạnh khỏe.

Trải qua năm tháng, từ thời Trần qua Lê đến Nguyễn, Phúc Sơn vẫn là một trong số ít ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở trấn Sơn Nam xưa (nay là 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định). Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây và là nơi mà mỗi người dân Đồng Thanh xa quê nhớ về nơi chôn rau cắt rốn./.

Phương Thúy

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...