Chưa hết lo dịch tả lợn châu Phi lại lo vỡ quy hoạch chăn nuôi gia cầm

Thứ 5, 20/06/2019 | 07:44:57
404 lượt xem

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, số đàn lợn bị tiêu hủy ngày càng lớn, kéo theo đó là nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn vào những tháng cuối năm. Trước tình hình trên, các hộ chăn nuôi lợn tự ồ ạt chuyển đổi sang nuôi gia cầm.

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp có thể dẫn đến nguy cơ thiếu thịt lợn những tháng cuối năm

Nguy cơ thiếu hụt thịt lợn những tháng cuối năm
Dịch tả lợn Châu Phi đang có những diễn biến vô cùng phức tạp. Tính đến ngày 18/6, dịch tả lợn Châu Phi đã lây lan khắp 58 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy hơn 2,5 triệu con, chiếm khoảng 7% tổng đàn lợn trên cả nước. Dự báo, với tình hình diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp và điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tạo điều kiện để dịch bệnh tiếp tục lây lan ra những vùng còn lại. 

Hiện nay, thịt lợn chiếm tỉ trọng gần 70% trong số các loại thịt trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thường tăng cao vào các tháng cuối năm. Thêm vào đó, người nuôi lợn không dám tái đàn do lo sợ dịch tả lợn châu Phi. Tất cả những thực tế trên có thể sẽ dẫn đến một đợt thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới. Chính vì vậy, trong bối cảnh nguồn cung đang bị cạn kiệt, giá thịt lợn có thể lên 45.000 – 50.000 đồng/kg, thậm chí có thể cao hơn nữa vào các tháng cuối năm.

Nuôi gia cầm thay thế lợn
Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã khiến nhiều hộ nuôi lợn phải bỏ chuồng trống và lâm vào cảnh nợ nần. Thiệt hại kinh tế lớn khiến nông dân sốt sắng chuyển đổi sang nuôi gia cầm khi chưa thể tái đàn lợn.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích thị trường: Thời điểm từ tháng 6 đến cuối năm, giá thịt gia cầm có chiều hướng tăng mạnh do thị trường cần lượng lớn để phục vụ cho mùa du lịch, cưới hỏi và bù lại lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi. Việc giá gia cầm tăng, thị trường tiêu thụ khả quan nên nhiều hộ chăn nuôi bắt đầu có xu hướng tái đàn và tăng đàn.

Các hộ chăn nuôi ồ ạt nuôi gia cầm thay thế lợn 

Tại Đồng Nai, nơi được biết đến là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi vịt, gà với quy mô 3.000 - 5.000 con. Các trang trại nuôi gia cầm ở Đồng Nai đang mọc lên như nấm. Hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt 27 triệu con, tăng hàng triệu con so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm này, không chỉ riêng người chăn nuôi tại Đồng Nai mà hầu hết các hộ chăn nuôi ở những tỉnh có bệnh dịch tả lợn châu Phi “càn quét” qua thì đều chuyển sang đầu tư nuôi gia cầm.
Theo thống kê của Cục chăn nuôi, số lượng gia cầm chăn nuôi của cả nước đã tăng 6,8% trong tháng 4 vừa qua so với cùng kì năm trước. Trong khi đó, định hướng của Cục chăn nuôi sẽ tăng số lượng chăn nuôi gia cầm lên 7% so với năm 2018 để bù đắp được lượng thịt lợn thiếu hụt trong thời gian tới.
Với tình trạng tự phát nuôi như hiện nay thì nguy cơ vỡ quy hoạch nuôi gia cầm là rất lớn. Bên cạnh đó, hiện tại đang là mùa hè, gia cầm rất dễ mắc dịch bệnh, hơn nữa hầu hết bà con chỉ có kinh nghiệm nuôi lợn, chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi gà, vịt nên rủi ro do gia cầm mắc dịch bệnh rất cao. Vì vậy, bà con cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi đầu tư nuôi gia cầm thay thế cho đàn lợn.

Theo inongdan.vn 

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...