Thế giới đang trải qua thời kỳ toàn cầu hóa mở cửa kinh tế, xu thế liên quốc gia, xuyên châu lục ngày càng phổ biến, đồng nghĩa với việc dịch bệnh có thể dễ dàng nhanh chóng lan tỏa trên diện rộng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi. Trong hoàn cảnh “sống chung với dịch bệnh”, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là bài toán hiệu quả nhất để phát triển bền vững.
“Hàng rào” sinh học
Chăn nuôi an toàn sinh học được hiểu là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh nhằm bảo đảm cho đàn vật nuôi được hoàn toàn khỏe mạnh và không bị dịch bệnh. Quá trình này bao gồm việc chăn nuôi sạch bệnh, đồng thời cách ly vùng nuôi, cách ly nhà máy chế biến ra khỏi mọi nguy cơ nhiễm dịch bệnh…
Hiện, chăn nuôi an toàn sinh học ở Việt Nam chủ yếu thực hiện bài bản nhất ở trong các trại giống. Khi tham quan các trại giống của Công ty C.P, phóng viên thấy các trại giống đều nằm vùng xa dân cư, thậm chí nhân viên trong các trại giống hầu như không tiếp xúc với người bên ngoài. Việc khử trùng được thực hiện từ cổng ra vào; sau đó ở mỗi một công đoạn, mỗi một khu vực lại đều tiến hành khử trùng.
Thật không quá, khi các kỹ sư Công ty C.P. Việt Nam cho biết, họ dùng thứ nước sạch được sản xuất tương đương nước cất sử dụng trong y tế, tương đương nước dùng sản xuất nước ngọt Coca Cola để sản xuất con giống. Ngoài ra, mọi biểu hiện về dịch bệnh đều được xử lý rốt ráo. Khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, các trại giống đều dừng ngay sản xuất mấy tháng liền để vệ sinh, chỉ quay lại sản xuất giống khi đảm bảo vi khuẩn gây bệnh đã bị loại bỏ khỏi khu vực làm giống.
Tham quan nhà máy sản xuất thức ăn của Mỹ đặt tại tỉnh Bình Dương, đặc biệt là khâu thức ăn dành cho ngành giống cũng rất nghiêm ngặt, được tự động hóa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hầu như không xuất hiện một hạt bụi trong nhà máy sản xuất thức ăn cao cấp này.
Rõ ràng, một nhà máy, một doanh nghiệp, một vùng nuôi không thể đối phó với dịch bệnh lan tràn, họ chỉ có thể đưa ra giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào khu vực của mình. Chính bởi vậy, chăn nuôi an toàn sinh học, với việc dựng lên những hàng rào “an ninh sinh học”, là một giải pháp căn bản và lâu dài mà các doanh nghiệp đang hướng tới.
Bài học từ ASF
Sau khi dịch bệnh xuất hiện ở phía Bắc, các tỉnh phía Nam đã triển khai một chương trình “an toàn sinh học” lớn chưa từng thấy trong lịch sử, ngăn chặn căn bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASF) lây lan vào các tỉnh phía Nam, nơi ngành chăn nuôi đang rất phát triển.
Đơn cử như tỉnh Bến Tre đã lập các chốt chặn tại địa giới tỉnh. Cơ quan chức năng tại các chốt chặn sẽ kiểm tra giấy tờ, xịt thuốc khử trùng tại chỗ đối với heo và phương tiện trước khi xe chở heo đi vào địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện xe chở heo nào vi phạm sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Đuổi trả về nơi xuất xứ đối với các trường hợp chở heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Với TP. Hồ Chí Minh, đã tập trung việc giết mổ vào 11 điểm giết mổ lớn và chỉ cho phép tiêu thụ sản phẩm có đóng dấu kiểm dịch. Thành phố cũng ra chỉ thị sẽ xử lý kỷ luật lãnh đạo quận, huyện nào để cho ASF xâm nhập. Các hộ chăn nuôi thì tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ 1 - 2 lần/tuần đối với trang trại của mình. Đối với các trang trại chăn nuôi sẽ hạn chế khách thăm quan, kể cả trường hợp thương lái vào chuồng lựa heo để mua…
Với tỉnh Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của Việt Nam, tỉnh này đã lập thêm rất nhiều chốt chặn từ hướng các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Tây Nguyên. Tất cả sản phẩm chăn nuôi muốn vào Đồng Nai đều phải qua kiểm dịch và những biện pháp này khiến cho những sản phẩm chăn nuôi không qua kiểm dịch “biến mất trên thị trường”.
Những hàng rào an toàn sinh học dựng lên, với việc kiểm định, xịt thuốc khử trùng, xử phạt, không cho sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc lưu thông đã đánh mạnh vào những đường dây buôn bán sản phẩm chăn nuôi không qua kiểm dịch. Từ đó, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo đảm an toàn cho ngành chăn nuôi trong cơn bão dịch bệnh.
Không chỉ là phong trào
Việc ngăn chặn thành công ASF tại nhiều tỉnh miền Nam đã cho thấy, sự thành công trong chăn nuôi an toàn sinh học; trong đó việc tạo ra các vùng nuôi rộng lớn sạch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài thâm nhập là những giải pháp vô cùng hiệu quả. Song một câu hỏi đặt ra là liệu những “hàng rào sinh học” này tồn tại trong bao lâu?
Lý do ngay cả khi trong nước đã khống chế và triệt tiêu dịch bệnh thì nguồn bệnh các nước khác vẫn có nguy cơ “tiềm nhập” vào Việt Nam. Cụ thể đối với các tỉnh phía Nam, đó là ASF hiện đang hoành hành ở Campuchia và quốc gia này cũng cung cấp sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam. Việc ngăn chặn dịch bệnh sẽ phải diễn ra lâu dài trên các tuyến biên giới. Ngoài ra, không loại trừ việc Việt Nam cần phải hỗ trợ các tỉnh Campuchia gần biên giới khống chế dịch bệnh để tạo ra những “hành lang” biên giới an toàn về sinh học.
Tại các tỉnh miền Bắc, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế và người dân sẽ trở lại chăn nuôi bình thường. Song vấn đề “hành lang an toàn sinh học” ở các cửa khẩu sẽ đứng vững như thế nào? Kết quả giải trình tự gen của mẫu bệnh phẩm của Cục Thú y cho thấy, virus gây bệnh tại Việt Nam giống 100% chủng virus ASF tại Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc xảy ra hàng trăm ổ dịch, nhiều ổ dịch gần biên giới với Việt Nam. Các cơ quan chức năng đã ngừng nhập khẩu thịt heo từ Ba Lan, Hungary… những quốc gia xảy ra dịch bệnh. Song với các nước có đường biên giới với Việt Nam, hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch rất sôi động và rất khó kiểm soát.
Xây dựng vùng nuôi an toàn sinh học
Xây dựng các vùng nuôi an toàn sạch bệnh phục vụ xuất khẩu là xu thế phổ biến trên toàn thế giới, song tại Việt Nam, dù có chủ trương và quy hoạch nhưng việc triển khai còn chậm. Các tỉnh ở Đồng bằng Bắc bộ và Đông Nam bộ đều có quy hoạch phát triển các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, song để xây dựng thành các vùng địa lý có chỉ dẫn an toàn sinh học để cung ứng sản phẩm ra thị trường còn nan giải. Các vùng chăn nuôi có thể khống chế, kiểm soát một dịch bệnh nào đó, như kiểm soát bệnh heo tai xanh hay bệnh lở mồm long móng, song để có thể tạo ra vùng nuôi an toàn sinh học vẫn là con đường nhiều chông gai.
Trả lời các cơ quan báo chí tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2019 về tình hình ASF, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ giao Cục Thú y và Cục Chăn nuôi sớm xây dựng những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đối với nhóm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ trên tinh thần “sống chung với dịch” trong lúc chờ nghiên cứu sản xuất thương mại thành công vaccine ASF.
Lâu nay, Việt Nam đã đối phó với nhiều dịch bệnh trên vật nuôi, nhưng đều trong điều kiện đã có vaccine. Với ASF, một loại bệnh chưa có vaccine thì chăn nuôi an toàn sinh học để “sống chung với dịch” là một giải pháp, một chiến lược hoàn toàn mới mẻ của ngành chăn nuôi.
Song, mặt khác, nếu xây dựng được những vùng nuôi an toàn sinh học, hoàn toàn sạch bệnh thì có thể phát triển chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm sạch để cung ứng cho thị trường và xuất khẩu. Hay nói cách khác, xây dựng chiến lược chăn nuôi an toàn sinh học không phải để đối phó với riêng ASF trên heo, mà xây dựng ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học chính là để tạo ra những vùng nuôi an toàn sinh học nhằm đưa ngành chăn nuôi Việt Nam lên một tầm cao mới.
Theo nguoichannuoi.vn
Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày...
Việc giải quyết KỊP THỜI những ý kiến, kiến nghị của cử Không những giúp...
Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...