Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Người con ưu tú của quê hương

Thứ 5, 25/04/2019 | 14:49:00
637 lượt xem

Dân ở xã Lộc An nhớ những lần về quê, Đại tướng Lê Đức Anh ghé thăm rất nhiều gia đình để hỏi chuyện làm ăn

Con đường ven sông Truồi dẫn vào Nhà Văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh (ở thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thường ngày tấp nập xe cộ, người qua lại nhưng mấy hôm nay yên ắng lạ thường. Không khí trầm lắng như bao trùm cả vùng quê, hiện hữu trên khuôn mặt từng người dân.

"Người con ưu tú của quê hương chúng tôi đã ra đi mãi mãi" - bà Nguyễn Thị Khuê (76 tuổi, ngụ xã Lộc An) xúc động khi nói về Đại tướng, cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Nhà Văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh được xây dựng vào năm 2012, là nơi trưng bày các tư liệu, hình ảnh, sách báo về cuộc đời, sự nghiệp của ông nhằm phục vụ người dân, học sinh trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu. Từ khi nhận tin Đại tướng qua đời, người dân ở đây đã nhanh chóng dọn dẹp nhà văn hóa để chuẩn bị đón mọi người đến dâng hương.

Nhà Văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh tại xã Lộc An

Bên góc nhà văn hóa, một nhóm người yên lặng ngồi đọc những dòng chữ ghi trong sổ lưu niệm khi khánh thành công trình này vào năm 2012. Nhiều người vừa đọc vừa khóc. "Đại tướng Lê Đức Anh - một cán bộ quân sự, chính trị và giàu nét văn hóa dân tộc đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc..." - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết trong sổ lưu niệm, ngày 7-4-2012. Còn nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương viết: "Mong rằng nhà văn hóa sẽ khích lệ con em các thế hệ của Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung, noi gương người chiến sĩ cách mạng kiên trung, vị tướng lĩnh tài ba, nhà chính trị xuất sắc của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cao cả: Bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường".

Nhìn những tấm ảnh của Đại tướng, ông Lê Trung Thành (gọi Đại tướng Lê Đức Anh bằng chú), người trông coi nhà văn hóa, nhớ về những lần ra Hà Nội thăm Đại tướng: "Lúc nào chú cũng hỏi bà con quê nhà có khỏe không, công việc làm ăn thế nào? Vậy mà...".

Người dân Lộc An thường nhớ những lần về quê, Đại tướng ghé thăm rất nhiều gia đình để hỏi chuyện làm ăn, tình hình quê hương làng xóm và thưởng thức các món ăn dân dã. Ông rất thích ăn chè Truồi - một đặc sản của quê hương. "Hình ảnh, tính cách của ông luôn trong tim của chúng tôi. Đó là tấm gương thể hiện đức tính giản dị, liêm khiết để con cháu noi theo" - ông Trần Đình Hàng (85 tuổi), một người dân ở đây, tâm sự.

Ông Hàng kể từ ngày giải phóng đến nay, Đại tướng nhiều lần ghé về thăm quê hương. Ông rất gần gũi, dễ mến và trong các câu chuyện không bao giờ quên thăm hỏi về tình hình cuộc sống, công việc làm ăn của bà con ở quê hương. 

Nguồn nld.com.vn 

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...