Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các nước ASEAN

Thứ 3, 21/04/2015 | 09:08:24
942 lượt xem

Điểm mới trong Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần thứ 7 vừa qua là việc bổ sung cả đối thoại doanh nghiệp trong tiến trình vốn chỉ dành cho đối thoại giữa chính phủ và giới học giả này. Cùng với các trụ cột quan hệ về chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội, trụ cột quan hệ về kinh tế đã đưa quan hệ chiến lược Ấn Độ - ASEAN lên bước phát triển mới.

Hình minh họa

Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông A.Oa-đoa nêu rõ, ASEAN và Ấn Độ đã và sẽ là những đối tác tự nhiên trong việc xác định và giải quyết những yêu cầu chung về phát triển kinh tế và thịnh vượng ở châu Á, trong bối cảnh các cấu trúc chính trị, kinh tế và an ninh đang hình thành tại khu vực này. Các đại biểu dự Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần này cho rằng, hai bên có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác to lớn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (EAC) ra đời vào cuối năm nay cũng như từ chương trình cải cách của Ấn Độ. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho rằng, tăng cường kết nối là vấn đề lớn và đóng vai trò rất quan trọng trong hợp tác chiến lược giữa Ấn Độ và ASEAN.

Hai bên đang trao đổi và đã có các chương trình thực hiện kết nối trong tất cả các lĩnh vực, trước hết là kết nối về đường bộ, đường không và đường biển; thứ hai là kết nối về thể chế, nhất là các thể chế hiện có như các tổ chức thương mại.

Năm 2014, quan hệ của Ấn Độ với các nước ASEAN nói chung và quan hệ kinh tế giữa hai bên nói riêng phát triển mạnh, trong đó Chính phủ mới của Ấn Độ do Thủ tướng N.Mô-đi đứng đầu đã chuyển "Chính sách hướng Đông" thành chiến lược "Hành động phía Đông" nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng vai trò toàn cầu của Ấn Độ. Ông Mô-đi đã nêu biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ kinh tế ASEAN - Ấn Độ trong năm năm tới, trong đó đề nghị lập một cơ chế đặc biệt để cấp tài chính cho các dự án phát triển, xây dựng các đại lộ thông tin và mời các nước ASEAN tham gia tiến trình chuyển đổi kinh tế đang diễn ra tại Ấn Độ. Các hiệp định tự do thương mại về dịch vụ và đầu tư, được Ấn Độ và ASEAN ký năm ngoái và dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, sẽ tạo cơ hội rất lớn để các bên khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế. Thực tế, các hiệp định tự do thương mại về dịch vụ, đầu tư và hàng hóa giữa Ấn Độ với các nước ASEAN thời gian qua đã thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng gấp nhiều lần. Hiện kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Ấn Độ đạt gần 80 tỷ USD và hai bên hy vọng sẽ đạt mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2020. Có được thành công này là từ sự thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ với các thành viên của Hiệp hội.

Ấn Độ hiện là một trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Từ khi Việt Nam và Ấn Độ nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược từ năm 2007 đến nay, hợp tác song phương liên tục được thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực. Kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh, từ một tỷ USD năm 2006 lên hơn tám tỷ USD trong năm ngoái, tạo đà để hai bên nâng con số này lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam hơn 220 triệu USD, trong khi đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ là khoảng 26 triệu USD.

Hằng năm, có khoảng 20 nghìn lượt khách du lịch Việt Nam thăm Ấn Độ và khoảng 30 nghìn du khách Ấn Độ vào Việt Nam. Hai bên hy vọng con số này sẽ tăng lên 100 nghìn trong tương lai gần.

Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư song phương giữa Ấn Độ với Mi-an-ma, quốc gia ASEAN duy nhất có biên giới trên bộ với Ấn Độ, cũng phát triển thuận lợi trong thời gian qua.

Ấn Độ và Mi-an-ma đang phối hợp triển khai dự án giao thông quá cảnh nhiều bên Ca-la-đan, kết nối cảng Côn-ca-ta ở miền đông Ấn Độ với cảng biển Xít-uê của Mi-an-ma. Hai nước này cùng Thái-lan cũng đang hợp tác triển khai dự án hạ tầng đường cao tốc ba bên Ấn Độ -Mi-an-ma - Thái-lan.

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Xin-ga-po đạt mức tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi hai nước ký Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện năm 2005. Xin-ga-po hiện là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Ấn Độ, với tổng giá trị lên tới 5,7 tỷ USD.

Hai nước nhất trí nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược vào cuối năm nay, đồng nghĩa với việc sẽ mở rộng phạm vi hợp tác, bao gồm các lĩnh vực như quy hoạch đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và kết nối.

Ấn Độ và ASEAN cùng chia sẻ tầm nhìn về một châu Á hòa bình, thịnh vượng và trỗi dậy, góp phần tăng cường hòa bình và an ninh toàn cầu. Niu Đê-li một lần nữa khẳng định, quan hệ với ASEAN là một trong những hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ và là nền móng của chính sách "Hành động phía Đông".

 Theo báo Nhân dân

 

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...