“Nước Mỹ sang trang”

Thứ 5, 22/01/2015 | 08:45:52
1,098 lượt xem

Trước thái độ mạnh mẽ của tổng thống Mỹ, Đảng Cộng hòa đáp trả bằng tuyên bố sẽ lèo lái đất nước rời xa những chính sách thất bại của ông Obama

Được khích lệ bởi sự phục hồi ấn tượng của nền kinh tế, tỉ lệ ủng hộ gia tăng và một loạt thắng lợi chính trị gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 20-1 gửi đến quốc hội mới do Đảng Cộng hòa (GOP) kiểm soát một Thông điệp Liên bang đầy thách thức, trong đó tập trung nhiều vào vấn đề đối nội.

Nhiều tuyên bố mạnh mẽ

Vào thời điểm tỉ lệ thất nghiệp chỉ còn 5,6% và tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất trong 11 năm qua, ông Obama mở đầu bài diễn văn bằng tuyên bố đầy ấn tượng: “Đêm nay, nước Mỹ sang trang mới”. Theo ông, đã đến lúc giúp đỡ những người Mỹ trung lưu đang bị bỏ lại phía sau bằng cách tăng thuế đánh vào người giàu. Ông Obama đặt mục tiêu thu về 320 tỉ USD từ việc tăng thuế những người giàu nhất trong 10 năm tới để trang trải cho các chính sách hỗ trợ tầng lớp trung lưu.

Dù kế hoạch này khó qua ải quốc hội nhưng nó có thể buộc GOP tự tìm kiếm các biện pháp riêng để giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập và chứng tỏ khả năng lãnh đạo của họ trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đang đến gần.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc Thông điệp Liên bang hôm 20-1 Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc Thông điệp Liên bang hôm 20-1 Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, ông Obama đe dọa phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của GOP nhằm thu hồi Đạo luật Chăm sóc sức khỏe (Obamacare) và sắc lệnh cải tổ nhập cư. Những lời lẽ này cho thấy một Obama quyết không nhượng bộ các đối thủ chính trị, đồng thời sẵn sàng làm những gì ông cho là đúng hoặc có lợi cho nước Mỹ mà không phải canh cánh nỗi vướng bận tranh cử. Dù vậy, theo Reuters, điều này chắc chắn sẽ đặt ông chủ Nhà Trắng vào thế đối đầu hơn nữa với quốc hội trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ cuối cùng.

Chính sách đối ngoại dù không chiếm nhiều nội dung phát biểu nhưng vẫn có những điểm đáng chú ý. Trong thông điệp được cho là gửi đến Trung Quốc, ông Obama tuyên bố: “Tại châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta đang hiện đại hóa các liên minh nhằm bảo đảm các nước hành xử theo luật pháp trong thương mại, giải quyết tranh chấp hàng hải, tham gia đối phó các thách thức chung của quốc tế…”.

Đối với sự liên can của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Obama chỉ trích: “Chúng ta luôn giữ vững nguyên tắc nước lớn không thể bắt nạt nước bé bằng cách phản đối hành động gây hấn của Nga, ủng hộ dân chủ Ukraine và trấn an các đồng minh NATO… Ngày nay, nước Mỹ đứng vững và đoàn kết với các đồng minh trong khi Nga bị cô lập với nền kinh tế gặp khó khăn”.

Phe Cộng hòa phản pháo

Ông Obama còn cảnh báo sẽ bác bỏ bất kỳ động thái gia tăng trừng phạt Iran nào của các nhà làm luật trong lúc đàm phán hạt nhân vẫn đang diễn ra. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tái khẳng định cam kết đóng cửa nhà tù vịnh Guantanamo, nơi giam các nghi phạm khủng bố nước ngoài từ năm 2002. Ông bày tỏ thêm mong muốn hoàn tất các thỏa thuận thương mại với châu Á và châu Âu để tạo nhiều việc làm hơn cho nước Mỹ.

Trước một thông điệp liên bang mạnh mẽ như thế, không khó hiểu khi GOP cũng đáp trả cứng rắn. Trong tuyên bố chính thức của mình, GOP cam kết sẽ tập trung vào những nỗi lo của người dân về việc làm và vấn đề chăm sóc sức khỏe, đồng thời lèo lái đất nước rời xa “những chính sách thất bại của Tổng thống Barack Obama”.

Tuyên bố cũng kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ hợp tác để đơn giản hóa bộ luật thuế, nới lỏng rào cản thương mại với châu Âu, châu Á… “Người Mỹ đang bị tổn thương nhưng thay vì đưa ra giải pháp, Washington thường xuyên phản hồi với cùng một tư duy cũ rích dẫn đến những chính sách thất bại, như Obamacare” - tuyên bố khẳng định.

Hai ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của GOP là Mitt RomneyJeb Bush cũng nhanh chóng cáo buộc ông Obama sử dụng bộ luật thuế để chia rẽ người dân. “Thay vì thu hẹp khoảng cách giữa Đảng Dân chủ và GOP, ông ấy lại đưa ra những đề xuất không đâu vào đâu. Một cơ hội để thể hiện sự lãnh đạo đã bị bỏ lỡ” - ông Romney tỏ ý chê trách.

Theo giới phân tích, Tổng thống Obama đã đưa ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng trong Thông điệp Liên bang 2015. Dù nhiều đề xuất khó có cơ hội thành công song đây là cơ hội lớn để ông Obama “tiếp thị” ý tưởng của mình đến người dân Mỹ, đặc biệt là khi có đến hơn 30 triệu người theo dõi trong đêm 20-1. Theo thăm dò của đài CNN, Thông điệp Liên bang năm nay nhận được đánh giá tốt từ 51% người xem, tăng hơn so với mức 44% của năm 2014.

Mỹ - Cuba hội đàm

Tổng thống Barack Obama kêu gọi quốc hội Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba trong Thông điệp Liên bang 2015 trước khi đại diện 2 nước hội đàm tại Havana hôm 21 và 22-1 (giờ địa phương). Theo Reuters, cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Mỹ - Cuba đồng ý bình thường hóa quan hệ sẽ tập trung vào vấn đề di trú và khôi phục quan hệ ngoại giao, cụ thể là mở cửa lại các đại sứ quán.

Trước thềm cuộc gặp, Cuba cho biết sẽ yêu cầu Mỹ đưa nước này ra khỏi cái gọi là danh sách “những quốc gia tài trợ khủng bố”. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Cuba nói thêm đây không phải là điều kiện tiên quyết để khôi phục quan hệ.

Ngoài ra, mạng Cubadebate - báo điện tử chính thống của Cuba - dẫn lời một nhà ngoại giao tiết lộ Havana muốn Mỹ xem xét lại “Luật điều chỉnh Cuba”. Quan chức này chỉ trích việc Mỹ ưu đãi thị thực cho các bác sĩ Cuba làm việc tại nước thứ ba đã kích thích làn sóng di cư bất hợp pháp từ Cuba sang Mỹ. Trong khi đó, Mỹ muốn Cuba bỏ hạn chế về số lượng lẫn sự hạn chế đi lại của nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại Cuba.

Thách thức, đe dọa

Tạp chí Politico (Mỹ) nhận định trong suốt bài phát biểu kéo dài gần 1 giờ trước quốc hội tối 20-1, không ít lần người ta khó phân biệt được liệu Tổng thống Barack Obama đang đọc thông điệp liên bang hay đang... thách thức trước tòa!

Bài phát biểu của ông chủ Nhà Trắng ngồn ngộn những từ ngữ mang tính chiến đấu như “đấu tranh”, “xấu xa”, “sợ hãi”, “đe dọa”, “đè nát” và “bùng nổ” khiến người ta khó lòng nhớ lại hình ảnh một ứng cử viên hòa bình mà ông thể hiện trong những ngày đầu tranh cử tổng thống.

Giới phân tích cho rằng Thông điệp Liên bang năm nay dường như nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hơn là thuyết phục quốc hội chấp nhận lập trường của Nhà Trắng, qua đó thể hiện quyết tâm giữ thế tấn công của vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.

“Thay vì chao đảo sau cú thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ, Tổng thống Obama chọn con đường tiếp tục tấn công, táo bạo và thường xuyên có những hành động nằm ngoài dự đoán đối với các vấn đề chủ chốt” - báo The Financial Times nhận định.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tự tin trong bài phát biểu thông điệp liên bang lần thứ 6 của mình. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama tự tin trong bài phát biểu thông điệp liên bang lần thứ 6 của mình. Ảnh: AP

Dù không ít lần nêu mong muốn “hợp tác với quốc hội” nhưng ông Obama cũng thẳng thừng đe dọa sẽ tận dụng tối đa quyền phủ quyết. Cách tiếp cận này bị phản ứng không ít, ngay cả trong nội bộ Đảng Dân chủ. Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin gay gắt: “Ở bang Tây Virginia của chúng tôi, người ta không xử sự như vậy. Nếu muốn ai đó làm việc với mình hay tìm kiếm một sự hòa giải thì ít nhất anh phải tỏ ra hòa hợp hơn một chút”.

Tuy nhiên, The Financial Times bình luận với sách lược chủ động tấn công, Nhà Trắng dường như đang dồn quốc hội vào thế thủ.

Thu Hằng

Hoàng Phương
nld.com.vn


  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...