Quản chặt game online

Thứ 7, 10/01/2015 | 11:33:21
1,644 lượt xem

Các quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp quản lý game online hiệu quả và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội

Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có hiệu lực đã hơn 1 năm. Tuy nhiên, việc quản lý game online vẫn còn chờ văn bản hướng dẫn thực hiện. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ban hành Thông tư 24/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Thông tư này được đánh giá là cần thiết để quản lý và xử lý hiệu quả hoạt động game online vi phạm, đồng thời tạo môi trường cho các nhà cung cấp và doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ thanh toán trong nước phát triển.

Người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân

Có hiệu lực từ ngày 12-2, Thông tư 24 quy định nhiều điểm mới, sát với thực tế hơn các quy định trước. Theo đó, trò chơi điện tử phát hành ra thị trường được phân loại theo độ tuổi: dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu 18+), thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, 12+) và mọi lứa tuổi (00+). DN cung cấp dịch vụ có trách nhiệm tự phân loại trò chơi theo độ tuổi người chơi. Quy định về độ tuổi là rất cần thiết vì các nước đã làm từ lâu.

Cần quản lý chặt game online để lành mạnh hóa trò chơi trực tuyến
Cần quản lý chặt game online để lành mạnh hóa trò chơi trực tuyến

Theo quy định mới, khi tạo tài khoản sử dụng dịch vụ trò chơi G1 (game có sự tương tác giữa người chơi với nhau qua hệ thống máy chủ của DN), người chơi phải cung cấp thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ đăng ký thường trú, số CMND hoặc hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ email (nếu có). Người chơi dưới 14 tuổi phải có người giám hộ hợp pháp đăng ký thông tin thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thông tư 24 cũng quy định không cho phép người chơi mua bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng. Với trò chơi G1, DN cung cấp phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật: khả năng lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin người chơi; hệ thống quản lý thanh toán phải đặt tại Việt Nam và kết nối với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trong nước.

Ngoài ra, DN phải quản lý người chơi từ 0 giờ đến 24 giờ hằng ngày, bảo đảm người dưới 18 tuổi chơi các game G1 không quá 180 phút/ngày, đưa thông điệp cảnh báo có hại cho sức khỏe trong suốt quá trình chơi...

Cần triển khai chi tiết

Theo đánh giá của các chuyên gia, để quản lý game online hiệu quả, rất cần triển khai Thông tư 24 chi tiết, sát với thực tế phát triển ngành game ở Việt Nam.

Dù Thông tư 24 có nhiều điểm mới song các DN cung cấp và đại lý game online vẫn còn băn khoăn với một số quy định. Đại diện một nhà phát hành game online tại TP HCM cho biết: “Yêu cầu người chơi đăng ký thông tin cá nhân về mặt kỹ thuật có thể thực hiện được. Tuy nhiên, do nhà phát hành không gặp trực tiếp người chơi nên rất khó thẩm định thông tin nếu họ khai man, mượn tên người khác đăng ký. Việc giám sát thông tin cá nhân chỉ phụ thuộc vào ý thức của người chơi, DN rất khó quản lý”.

Anh Trần Cường - chủ một đại lý game online ở quận Gò Vấp, TP HCM - băn khoăn: “Tôi thấy còn nhiều điểm chưa thật sự chặt chẽ. Chẳng hạn, quy định khống chế thời gian chơi mỗi ngày nhưng người chơi có thể tạo nhiều tài khoản khác nhau để sử dụng, hết thời gian quy định thì đăng nhập tài khoản khác. Quy định mới cấm mua bán vật phẩm ảo nhưng không cấm bán tài khoản nên game thủ có thể bán cả tài khoản cho người khác và tạo tài khoản mới để tiếp tục chơi”.

Từ cuối năm 2010, Bộ TT-TT đã tạm dừng việc cấp phép game online mới. Việc này khiến DN làm game trong nước thua thiệt. Theo số liệu của Bộ TT-TT năm 2013, trong 117 game cũ đã được cấp phép thì 1/3 phải dừng hoạt động do nội dung không còn phù hợp. DN trong nước bị thiệt hại, trong khi các game lậu và DN nước ngoài thì thu lợi hàng ngàn tỉ đồng, chưa kể nhà nước thất thu thuế do người chơi chuyển sang dùng game của các nhà cung cấp nước ngoài, game lậu.

Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, sau khi Nghị định 72/2013 ra đời thì quy định về cấp phép game online mới dừng lại. Về việc cấp phép mới, sở đang chờ hướng dẫn từ Bộ TT-TT.

Thời gian qua, tình trạng game lậu đã xuất hiện và đa phần đều đặt máy chủ ở nước ngoài hay ngoài địa bàn TP HCM nên khó quản lý. TP HCM đã rất quyết liệt giám sát game online nên nhiều game đã chuyển địa bàn sang các tỉnh và việc quản lý thuộc về Bộ TT-TT.

“Thời gian qua, sở đã xem xét và chuyển Thanh tra Bộ TT-TT xử lý nhiều game lậu. Sắp tới, có thể sở sẽ đề xuất thẩm định lại các game cũ để xem xét có tiếp tục cấp phép hay không. UBND TP HCM cũng vừa ban hành quy chế về việc cấp phép cho các đại lý game online hoạt động. Sở sẽ căn cứ quy chế này để giám sát, kiểm tra, xử lý” - ông Hỷ cho biết.

Sở TT-TT TP HCM là đơn vị trực tiếp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho các điểm cung cấp game online công cộng trên địa bàn TP theo đề nghị từ các UBND quận - huyện. Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị này để kiểm tra thường xuyên hoạt động của những điểm chơi game.

Game lậu hoành hành

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2013, có 58 DN tại Hà Nội và TP HCM cung cấp game online với tổng doanh thu khoảng 7.983 tỉ đồng. Hiện nay, có 73 game online đang được Bộ TT-TT cấp phép phát hành. Trong khi đó, trên thị trường tồn tại hàng trăm game online lậu từ nước ngoài (chiếm 70%) và đã thu lợi hàng ngàn tỉ đồng.

Các chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng cần mạnh tay để game online trở nên lành mạnh, giúp DN nội có cơ hội phát triển, có doanh thu và tránh thất thu thuế cho nhà nước.

Bài và ảnh: Thanh Phượng

nld.com.vn

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...