|
Đông đảo các PV trong nước và quốc tế tham gia buổi họp báo |
Tiếp đó, ông Đỗ Văn Hậu, TGĐ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trình bày về quá trình khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam. Ông Hậu khẳng định, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được Chính phủ Việt Nam giao quản lý và triển khai các hoạt động khai thác dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Tất cả các hoạt động về dầu khí của TCty và các đối tác thực hiện trong khuôn khổ và giới hạn vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Sang phần hỏi đáp với báo giới, ông Trần Duy Hải một lần nữa khẳng định Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 là văn bản ngoại giao, có giá trị pháp lý về những vấn đề được nêu trong nội dung của Công thư là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong Công thư không đề cập đến chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa nên không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
“Giá trị Công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Lúc bấy giờ, Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp định Geneva năm 1954. Theo lô-gic thông thường bạn không thể cho người khác thứ gì mà bạn không có được. Do đó, công thư không có giá trị gì đối với việc công nhận của Trung Quốc đối với cái gọi là Nam Sa hay Tây Sa (theo cách gọi của Trung Quốc) – ông Hải khẳng định.
Trả lời câu hỏi về Việt Nam có tận dụng sự ủng hộ từ quốc tế và đã chuẩn bị cho phương án này như thế nào, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế khẳng định: Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Hiến chương LHQ cũng như Công ước Luật Biển năm 1982 để giải quyết vấn đề liên quan đến mình. Việc sử dụng giải pháp hòa bình, bao gồm khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế. Và điều này là phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc sử dụng biện pháp pháp lý tốt hơn để xảy ra xung đột vũ trang.
Tiếp đó, ông Trần Duy Hải bác bỏ các luận điệu từ phía Trung Quốc, khẳng định một lần nữa vị trí giàn khoan Hải Dương-981 đang được đặt hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. "Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa thực ra là bãi đá. Dù thế nào cũng không thể có vùng biển vượt quá 12 hải lý. Giàn khoan Hải Dương-981 hoạt động cách Tri Tôn 17 hải lý, không thể thuộc quần đảo Hoàng Sa được. Và dù cho khu vực đó có thuộc Hoàng Sa đi chăng nữa cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam” – ông Hải nói.
Ông Lê Hải Bình cũng đưa ra quan điểm mạnh mẽ: “Dù xác định theo bất cứ cái gì thì khu vực Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 hoàn toàn nằm trong vùng biển của Việt Nam theo quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
“Độc lập, tự do còn quý hơn vàng”
Trả lời câu hỏi của báo giới về phát ngôn của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 21/5 tại Manila, Philippines, khẳng định Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, thì liệu đã đi đến giới hạn sự kiên nhẫn của Việt Nam hay không? Ông Trần Duy Hải đáp: “Chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với dân tộc Việt Nam mà không gì đánh đổi được. Độc lập, tự do còn quý hơn vàng”.
Ông Hải cũng khẳng định hiện các hoạt động giao lưu, giao thương ở biên giới Việt Trung vẫn diễn ra bình thường. Trong cuộc gặp giữa hai Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giữa hai nước, hai bên nhất trí không sử dụng các biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng.
Phóng viên một hãng thông tấn Đức nêu câu hỏi xác minh thông tin về 4 người Trung Quốc tử vong trong các cuộc xô xát xảy ra ở miền Trung. Ông Lê Hải Bình đưa ra thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết, trong các cuộc gây rối ở Hà Tĩnh, có 2 người Trung Quốc tử vong. Và tại Bình Dương, chỉ có một người Trung Quốc chết ngoài ý muốn.
“Những vụ gây rối vừa qua tại một số địa phương ở Việt Nam là hết sức đáng tiếc. Đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương đã ổn định, bình thường trở lại. Các DN nước ngoài đều khôi phục hoạt động sản xuất. Ngoại trừ một số DN Trung Quốc thì không có DN nào rút công nhân của mình khỏi Việt Nam” - ông Hải cho biết thêm.
“Trung Quốc thông báo dừng một số hoạt động giao lưu, quan hệ với Việt Nam. Đó là hoạt động nào và tác động gì đến nền kinh tế của Việt Nam hay không?” – Trả lời câu hỏi này của một phóng viên hãng thông tấn Nhật Bản, ông Hải khẳng định, cho đến nay, mọi hoạt động giao lưu giữa hai nước chưa có gì dừng lại. Những lao động đưa về nước là lao động phổ thông. Các DN đều có phương án thay thế nên không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Trung Quốc sử dụng tới 137 lượt tàu bảo vệ Hải Dương-981
Trả lời tại cuộc họp báo, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho rằng việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc họp báo, cáo buộc Việt Nam khiêu khích, sử dụng tàu hoạt động trên biển tiến hành đâm va vào tàu thực hiện bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 là thông tin hết sức sai lệch, mang tính vu cáo.
“Chúng tôi bác bỏ thông tin này vì thực tế Trung Quốc vào ngày cao điểm là 20-5 sử dụng tới 137 lượt tàu bảo vệ giàn khoan, trong đó có 4 lượt tàu chiến và máy bay. Các hoạt động Trung Quốc tại khu vực này bao gồm sử dụng súng phun nước có công suất lớn sử dụng máy phát tạo ra âm thanh, sóng âm tần gây khó chịu đến khu vực xung quanh khoảng 100m; sử dụng đèn pha công suất lớn, phương tiện khác tác động lên tàu Việt Nam; sử dụng biện pháp đâm va, ngăn cản tàu Việt Nam trên biển.
Về tàu chiến, Trung Quốc có 5 loại là tàu vận tải đổ bộ, có 8 ống phóng tên lửa phòng không, bệ pháo 16 ly; tàu hộ vệ tên lửa; tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh; tàu tuần tiễu săn ngầm và tàu khu trục tên lửa.
Trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn không sử dụng công cụ trên tàu đáp trả; không sử dụng súng phun nước, vòi rồng mà chỉ dùng phương tiện tuyên truyền, đè nghị Trung Quốc chấm dứt hoạt động xâm phạm trái phép vùng biển, rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư Việt Nam bị đâm va khoảng 20 lượt. Việt Nam đưa ra một số lượng hạn chế các tàu thuộc lực lượng thực thi pháp luật của cảnh sát biển và kiểm ngư, không có tàu chiến trên khu vực này. Các phóng viên Việt Nam và nước ngoài có mặt tại hiện trường có thể khẳng định tính đúng sai về thông tin mà Trung Quốc đưa ra.