Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine COVID-19

Thứ 6, 23/04/2021 | 00:00:00
735 lượt xem

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1966/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine COVID-19.

Bộ Y tế khẳng định, giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vaccine là biến cố nặng hiếm xảy ra, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.

Theo Bộ Y tế, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca (AZ) và Johnson & Johnson đã được ghi nhận trong các báo cáo của các Cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vaccine tại nhiều quốc gia.

Tổ chức y tế thế giới đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vaccine COVID-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, huyết khối tĩnh mạch não. Biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4 đến 28 ngày sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vaccine (VIPIT) là biến cố nặng hiếm gặp, biểu hiện thuyên tắc huyết khối kèm theo số lượng tiểu cầu thấp, xảy ra sau khi tiêm vaccine. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vaccine COVID-19, cơ thể có thể sinh kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (platelet factor-PF4) giống như kháng thể HIT.

Phức hợp kháng nguyên kháng thể đó hoạt hoá tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối và có thể chảy máu, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.

Theo Bộ Y tế, triệu chứng lâm sàng của hiện tượng đông máu sau tiêm vaccine thường xuất hiện từ 4 - 28 ngày sau tiêm với các biểu hiện như: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, các triệu chứng thần kinh khu trú; co giật (gợi ý đột quỵ); khó thở hoặc đau ngực (gợi ý thuyên tắc phổi hoặc hội chứng vành cấp); đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa); đau, phù chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu). Đặc biệt, bệnh nhân ít khi biểu hiện chảy máu, xuất huyết da hoặc xuất huyết nội tạng.

Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, doppler mạch, vị trí có biểu hiện lâm sàng như bụng, chi... có thể phát hiện xuất huyết khối. Chụp X-quang, cắt lớp vi tính/cộng hưởng từ tại vị trí nghi ngờ hoặc có biểu hiện lâm sàng như não, phổi, vị trí đau, phù... phát hiện các vị trí huyết khối hoặc chảy máu.

Tại quyết định, Bộ Y tế nêu rõ, tại cơ sở y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện cần theo dõi người tiêm vaccine COVID-19. Nếu xuất hiện ít nhất 1 trong các triệu chứng lâm sàng trên cần chuyển người sau tiêm vaccine COVID-19 lên tuyến cao hơn và xử trí cấp cứu bệnh nhân nếu có.

Tại các bệnh viện tuyến huyện, quận, người tiêm vaccine COVID-19 nếu xuất hiện một trong các triệu chứng: đau đầu dai dẳng, đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa), đau phù chi dưới hoặc biểu hiện chảy máu, xuất huyết da thì cần thực hiện các xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu, các xét nghiệm đông máu cơ bản, các thăm dò khác như siêu âm, Xquang, cộng hưởng từ... để tìm nguyên nhân. Nếu có biểu hiện bất thường thì chuyển người sau tiêm vaccine lên tuyến cao hơn hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia.

Với người tiêm vaccine có triệu chứng đau đầu dữ đội, các triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, khó thở đau ngực, chảy máu xuất huyết đe dọa tính mạng cần chuyển lên tuyến cao hơn.

Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố, cần làm các xét nghiệm theo yêu cầu, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý có thể gặp theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ  Y tế. Nếu vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị cần hỏi ý kiến chuyên gia hoặc chuyển tuyến theo quy định.
Các bệnh viện tuyến trung ương hoặc tương đương hạng I, hạng đặc biệt tiếp nhận những người tiêm vaccine có biến chứng nặng, tham vấn ý kiến chuyên gia khi cần thiết...

Đến sáng 23/4, Việt Nam đã tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 128.610 người tại 25 tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Trước đó,  ngày 15/4, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 1888/QĐ- BYT thành lập “Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19” bao gồm các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế; cùng các nhà khoa học là các chuyên gia hàng đầu trong nước về các lĩnh vực tiêm chủng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, huyết học, tim mạch, thần kinh… thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức sàng lọc, theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vaccine COVID-19 để kịp thời hỗ trợ các địa phương xử trí mọi tình huống xảy ra của tiêm chủng với mục tiêu đặt ra là tổ chức “tiêm phòng đến đâu an toàn đến đó”.

 Đặc biệt với hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được Bộ Y tế triển khai tới 1.500 điểm tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có cả tuyến huyện, các chuyên gia đầu ngành có thể hướng dẫn tuyến dưới xử lý nhanh chóng và hiệu quả hiện tượng này. Các điểm tiêm chủng ở y tế cơ sở sẽ luôn được hỗ trợ kịp thời về chuyên môn trong xử trí các phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...