Chính phủ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi nhất

Thứ 5, 11/08/2022 | 00:00:00
592 lượt xem

Đó là phát biểu khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", sáng 11/8. Dự hội nghị có các đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

Dự tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí Nguyễn Khắc Thận - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Kim Cứ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc sở Kế hoạch & Đầu tư; lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp tiêu biểu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững"

7 tháng năm 2022, kinh tế xã hội của đất nước phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, hoạt động SXKD có nhiều khởi sắc. CPI bình quân 7 tháng năm nay tăng 2,54% so với cùng kỳ. Nhờ dịch bệnh Covid 19 được kiểm soát và việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, cùng tinh thần nỗ lực vượt khó, tích cực đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp có nhiều tín hiệu phục hồi, khởi sắc. 

Hiện cả nước có trên 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Trong 7 tháng năm 2022, có trên 130.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế 7 tháng qua đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021. Có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng. Trong đó có những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của các ngành liên quan đến du lịch, dịch vụ,..Thị trường và nhất là thị trường nội địa của các doanh nghiệp nhiều ngành phục hồi trên 85% so với thời điểm trước dịch. Kim ngạch xuất khẩu cũng như doanh thu của nhiều ngành cũng tăng mạnh. Tuy nhiên hiện các doanh nghiệp của đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, Nhất là vẫn còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Đại biểu dự tại điểm cầu Thái Bình

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, kiên trì thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động SXKD. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổng rà soát mọi vướng mắc của doanh nghiệp, có kế hoạch xử lý hiệu quả, kịp thời, dứt điểm thuộc thẩm quyền. Thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để kích hoạt các nguồn lực xã hội. 

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực: thuế, phí, lệ phí, phát triển vùng nguyên liệu, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, kiểm soát dịch Covid-19, kết nối cung cầu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển hạ tầng chiến lược phục vụ phát triển kinh tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phòng chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng. 

Thủ tướng khẳng định, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp thực sự là một đơn vị xung kích trên mặt trận kinh tế đóng góp đắc lực vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh, văn minh

Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp phát huy vài trò bảo vệ, hỗ trợ, kết nối giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cùng nhau đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, tìm ra cơ hội phát triển. Trong đó chú ý đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, nâng cao trình độ tay nghề người lao động, mở rộng thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng lưu ý: Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, mô hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, nêu cao tinh thần tự lự, tự cường, tự tôn dân tộc. Tập trung xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có bản lĩnh, giàu lòng yêu nước, có khát vọng vươn lên làm giàu cho doanh nghiệp và cho đất nước. Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp thực sự là một đơn vị xung kích trên mặt trận kinh tế, đóng góp đắc lực vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh, văn minh./.

Văn Ngọc 

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...