Chính phủ họp phiên thường kỳ

Thứ 5, 06/05/2021 | 09:28:29
518 lượt xem

Ngày 5/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ kiện toàn nhân sự.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận về 8 nội dung, bao gồm: một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng, chống COVID-19 khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường, nhiều địa phương xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển tốt, tích cực, xu hướng phục hồi kinh tế đạt được những kết quả quan trọng cả về kinh tế vĩ mô, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư… Trong đó thu ngân sách dù khó khăn nhưng đã được trên 40%; lạm phát tiếp tục được kiểm soát và có kết quả tốt nhất kể từ năm 2016 đến nay. Thủ tướng cũng lưu ý về những khó khăn, thách thức vẫn tồn tại và mới nổi cần giải quyết, khắc phục như tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó đoán, tác động toàn diện đến kinh tế - xã hội; chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa đã đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa yên tâm; vừa qua một số hiện tượng nổi lên như "sốt" đất, chứng khoán... Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta chưa yên tâm về các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách về tiền tệ, ngân hàng, vì đây là 2 chính sách hết sức quan trọng tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô. Thủ tướng nhắc nhở các công việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm chưa giải quyết đáng kể, như 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành Công Thương. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, Ngành liên quan phải quyết tâm giải quyết, chọn một vài dự án để làm dần, rồi vừa làm vừa thảo luận, rút kinh nghiệm để tiếp tục làm..

Để hoàn thành nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, nhất là ưu tiên tập trung tháo gỡ các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước trong tình hình hiện nay. Thủ tướng yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí trong công tác quản lý Nhà nước để tăng cường phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm: các cơ quan thuộc Chính phủ tập trung hơn vào quản lý Nhà nước, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát; các Bộ ngành phối hợp với nhau để tháo gỡ cơ chế, chính sách về phân cấp, phần quyền, kiểm tra, giám sát. Về giao thông vận tải, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và các khu vực kinh tế trọng điểm để tháo gỡ nguồn lực. Cần mạnh dạn điều chỉnh tư duy, cách nhìn, cách làm; huy động nguồn vốn xã hội, doanh nghiệp, người dân; tinh thần là "lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư".

Về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng lưu ý các ngành, các cấp tránh 2 khuynh hướng: lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hoảng sợ, hoang mang. Thủ tướng yêu cầu phải tỉnh táo, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành, xử lý; phải xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí như thế nào là có nguy cơ, nguy cơ cao, thế nào là dịch và các biện pháp tương ứng; sau đó phân cấp, phân quyền cho các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình cụ thể để chủ động xử lý, đảm bảo mục tiêu kép.  Liên quan đến Nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng lưu ý phải xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí để được hỗ trợ, sau đó thảo luận, công bố công khai để áp dụng, không để tình trạng trục lợi, tham nhũng.

Về dự thảo chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng mà văn kiện Đại hội XIII cũng đã nêu đó là: khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất. Nên khâu tổ chức phải thiết thực, hiệu quả; đặc biệt là phải linh hoạt với tình hình thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho người dân, học sinh. Các cấp, các ngành phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức mạnh của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về công tác cán bộ; tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí./.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...