Thăm lại căn cứ cách mạng giữa lòng dân

Thứ 3, 16/02/2021 | 00:00:00
493 lượt xem

Từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An nói riêng một lòng tin tưởng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với vị trí đặc biệt của vùng ven sông cùng truyền thống đấu tranh bất khuất, xã Thuận Mỹ được Phân khu ủy và Bộ tư lệnh Phân khu 3 chọn làm căn cứ phòng ngự trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” vào tết Mậu Thân – 1968, tỉnh Long An được chia làm 2 phân khu; trong đó, phân khu 3 bao gồm các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, kết hợp với một số quận, huyện của Sài Gòn. Tháng 10/1967, xã Thuận Mỹ trở thành căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3.Trong ký ức của chú bé giao liên ngày trước, ông Lê Đình Phùng nay đã ngoài 60 tuổi gần như vẫn nhớ rõ những dấu ấn nổi bật của lực lượng ta khi đóng quân tại căn cứ này.


Ông Lê Đình Phùng - Xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, Long An: “Đóng ở đây nó đánh tê liệt luôn, dùng máy bay đa số, oanh tạc đây nhiều nhất, với báo binh từ mấy huyện bắn về đây. Lúc đó thì bộ đội mình ở đây rất là ít nhưng mà tạm trú tạm thời thôi chứ không có nhiều được. Mình đem lương thực, tiếp tế hoặc mấy ổng cần mua thuốc men, chẳng hạn thuốc y tế đồ đó, với đồ ăn, đồ uống. Lâu lâu mấy ổng nhờ mình liên lạc từ đây sang kia mình nhỏ lúc đó dễ đi lắm”

Sau tết Mậu Thân, phân khu ủy, Bộ Tư lệnh phân khu 3 lãnh đạo quân và dân kiên cường bám trụ, tiếp tục hoạt động diệt ác, phá kìm, xây dựng một số căn cứ .Để ghi nhận, nhắc nhớ cho đời sau về sự kiện lịch sử ấy, căn cứ Phân khu ủy và Bộ tư lệnh Phân khu 3 được UBND  tỉnh Long An xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2003.


Ông Văn Ngọc Hạo – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành, Long An: “Từ khi được công nhận và khu di tích này hình thành đến nay thì đó là nơi thường xuyên lui tới của tuổi trẻ huyện Châu Thành cũng như nhiều người ở các địa phương khác đến để đi về nguồn. Địa chỉ này là một trong những địa chỉ của huyện Châu Thành nằm trong chương trình giáo dục truyền thống của huyện rất tốt và nó cũng góp phần tôn vinh truyền thống anh hùng của xã Thuận Mỹ 2 lần”

 Thời gian qua, Huyện Đoàn Châu Thành quan tâm lồng ghép các hoạt động tham quan, tìm hiểu về khu di tích này trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh huyện nhà. Để giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, Đoàn xã Thuận Mỹ đảm nhận việc chăm sóc nhà bia liệt sĩ khu di tích dưới sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, trong đó nòng cốt là đoàn viên Chi Đoàn quân sự.

Anh Trần Mạnh Hùng – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Châu Thành, Long An: “Trong thời gian tới, Ban thường vụ Huyện đoàn sẽ đẩy mạnh hơn nữa về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên, mà đặc biệt là giáo dục một cách trực quan về khu di tích lịch sử này để tuyên truyền giáo dục đạt hiệu quả hơn, cũng là góp phần chung tay xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới rồi và chuẩn bị năm 2023 đạt chuẩn NTM nâng cao”.


Không chỉ là “địa chỉ đỏ” của huyện Châu Thành, Khu di tích Phân khu ủy và Bộ tư lệnh phân khu 3 còn là nơi học tập, sinh hoạt cộng đồng, qua đó góp phần tô thắm truyền thống Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...