Chuyển đổi cơ cấu mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ 2, 29/06/2020 | 00:00:00
1,389 lượt xem

Tận dụng lợi thế đất đai và thị trường, nhiều hộ nông dân tại huyện Hưng Hà đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả, nhiều hộ nông dân tại huyện Hưng Hà đang thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm

Khu vực mà 15 năm trước từng là diện tích đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả của xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà thì nay, 1 mẫu rưỡi vườn ươm cây giống hồng xiêm xoài của ông Đặng Văn Đức đã mang lại thu nhập lên tới hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Để đạt hiệu quả này, ông đã phải tìm mua đất ở nhiều nơi về xay nhỏ và dùng chế phẩm sinh học nhằm tạo nguồn dinh dưỡng cho cây giống phát triển. Ông Đức còn chủ động quảng bá sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng trên mạng xã hội, tạo điều kiện để nhiều nông dân đến tham quan, học tập. Ngày cao điểm ông xuất bán tới hơn 12.000 cây giống. 

Công nhân đang làm việc tại vườn ươm cây giống hồng xiêm xoài của ông Đặng Văn Đức

Ông Đặng Văn Đức - xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà: 

Cứ 11cm là 1 cây, 1 sào trong 1 năm làm được vạn rưỡi cây. Tỷ lệ xuất thành công được 1 vạn 200 cây, nhân với giá 16 nghìn bán buôn cho đại lý. Mỗi năm tôi thu được hơn 200 triệu tiền lãi trong 1 sào.  


 Anh Nguyễn Quốc Thịnh từng là sinh viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội, sau đó làm việc tại Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương. Anh đã nhiều năm ấp ủ mong muốn mang những giống cây có hiệu quả cao về phát triển trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2017, bỏ lại công việc tại Hà Nội, anh quyết định thuê lại hơn 2ha đất cấy lúa kém hiệu quả ở xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà để trồng hoa, cây cảnh, cây công trình. 

Anh Nguyễn Quốc Thịnh phát triển trồng cây hoa giấy - một trong những giống cây được ưa chuộng hiện nay

Anh Nguyễn Quốc Thịnh - xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà: Lúc đầu mình cũng gặp khó khăn, vì kinh tế không có, kỹ thuật chưa nhiều phải đi học hỏi… Đến thời điểm này, mình có thể chủ động về cây giống, về đầu ra. Thu nhập so với cấy lúa phải gấp 5 – 10 lần, tương đương với 400 – 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. 


Hiện trên địa bàn huyện Hưng Hà có khoảng 200 mô hình hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cho thu nhập cao, ổn định. Thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, những mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng. 

Ban Dân vận Tỉnh ủy và Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đến thăm một số mô hình tại huyện Hưng Hà

Ông Vũ Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Hà: 

Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được hội chúng tôi quan tâm ngay từ đầu năm. Hội đã triển khai đến các xã thị trấn trong toàn huyện. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ có diện tích đủ điều kiện chuyển sang trồng các cây ăn quả có hiệu quả cao.      


Có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương của Tỉnh ủy rất phù hợp với tình hình thực tiễn, không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được vấn đề bỏ đất hoang, giảm áp lực tưới tiêu, phòng tránh sâu bệnh hại, cải tạo đất, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

Hà My  

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...