Thái Bình được mùa lúa vụ chiêm xuân 2020

Thứ 7, 20/06/2020 | 00:00:00
6,318 lượt xem

Vụ lúa xuân năm nay nông dân Thái Bình bội thu trên cả phương diện được mùa và được giá. Niềm vui mà có lẽ phải 10 năm trở lại đây nông dân Thái Bình mới có được. Từ câu chuyện này chúng tôi muốn đề cập tới vấn đề nâng tầm giá trị bông lúa, hạt gạo của Thái Bình.

Nông dân vui được mùa

Theo đánh giá từ Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, vụ xuân 2020, năng suất lúa trung bình của Thái Bình ước đạt 71,5 tạ/ha , vượt so với năng suất lúa trung bình các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Có thể nói, những ngày vừa qua niềm vui như trải dài trên khắp các cánh đồng ở Thái Bình. 

Niềm vui được mùa

Những khuôn mặt rạng ngời trong niềm hạnh phúc

Những khuôn mặt rạng ngời trong niềm hạnh phúc, đó là thành quả của một vụ mùa dù nhiều khó khăn nhưng thắng lợi. Bởi nhìn từ 3 vụ lúa xuân gần đây cho thấy, 2020 là năm Thái Bình có tổng diện tích lúa xuân thấp nhất trong 3 năm qua, song năng suất vẫn giữ vững, thậm chí cao hơn cả năm ngoái: Năm 2018, Thái Bình có 78.220ha diện tích lúa xuân, năng suất 71,7tạ/ha. Năm 2019, diện tích lúa xuân của Thái Bình là 77,5ha, năng suất 71,03 tạ/ha. Còn năm 2020, Thái Bình có 76.252ha diện tích lúa xuân, năng suất 71,5tạ/ha.

Ông Nguyễn Phi Hùng – Giám đốc HTXNN Nguyên Xá, huyện Vũ Thư: 

Năm nay được mùa là do thời điểm lúa trỗ, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm tạo cho hạt lúa mẩy, tạo năng suất cao. So với hàng năm giá thóc dao động khoảng 850 ngàn đồng -900 ngàn/tạ.


Hạnh phúc của người nông dân chính là thành quả sau vụ thu hoạch. Với năng suất lúa bình quân 71,5 tạ/ha, tính toán với giá trên 7.200 đồng/kg, nông dân có thể thu lãi gấp 2 lần so với chi phí bỏ ra. Và điều gì đã khiến vụ xuân năm nay nông dân lại có thể bội thu như vậy? 

Định hướng đúng – Sản xuất trúng

Cánh đồng mẫu lớn, cấy cùng một loại giống, gieo xạ chung một thời điểm nên thu hoạch cùng đồng thời

Trước một vụ lúa chiêm xuân thắng lợi, ông Phạm Ngọc Tiến – Giám đốc HTX SXKD&DVNN xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương không dấu nổi niềm vui. Giống lúa năng suất, chất lượng được bà con trồng ngày càng cao, riêng vụ xuân này chiếm trên 90% diện tích cấy lúa của địa phương. 

Nhưng, quan trọng nữa là bà con lại tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Ông Phạm Ngọc Tiến - cho biết: "Đưa giống mới vào hiệu quả, giá trị và khi thu hoạch thì bà không phải phơi. Vì tiết kiệm thời gian cho bà con, đơn vị thu mua đã về tận đầu ruộng cân thóc tươi cho bà con và chở luôn về nhà máy."

Gặt máy trên cánh đồng xã Thượng Hiền

Hiệu quả từ giống mới, lại thêm việc đưa cơ giới hóa vào đã hỗ trợ nông dân khá nhiều trong việc thu hoạch. Riêng vụ xuân này HTX SXKD&DVNN xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương có 10 máy gặt, gấp đôi so với vụ trước.

Ông Phạm Xuân Huyến – xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương: 

Trước đây chúng tôi cấy nhiều loại giống thì khó khăn trong việc đưa máy xuống thu hoạch, rồi lại be bờ, chia vùng, chia thửa, nói chung là manh mún. Bây giờ, tất cả bà con đều cấy chung một loại giống, đồng loạt gieo cấy, trỗ bông và cho thu hoạch nên việc chăm sóc rất thuận lợi, và nhất là không sợ hạt thóc bị lai giống khác nhau.HTX đưa máy gặt xuống giúp bà con nên việc thu hoạch vụ chiêm năm nay rất thuận lợi và nhanh chóng. 


Thượng Hiền chỉ là điển hình cho thành công của việc đổi mới hình thức sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong đó phải kể đến việc tích tụ ruộng đất, hình thành nhiều cánh đồng lớn. Ngay trong vụ xuân này, toàn tỉnh có gần 175 cánh đồng lớn, nhiều hơn so với vụ xuân trước hàng chục cánh đồng. Diện tích bao tiêu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên những cánh đồng lớn ngày càng nhiều, chiếm trên 60% tổng diện tích, hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân khá cao. 

Tại xã Đông Quý, huyện Tiền Hải, theo tính toán của người nông dân, 1 sào lúa bán thóc khô có giá khoảng 1,2 triệu đồng. Nếu cấy giống năng suất và bán tươi cho doanh nghiệp có thể đạt 1,3 đến 1,4 triệu đồng. 

Chị Đoàn Thị Hinh - xã Đông Quý, huyện Tiền Hải

Máy gặt xong là cân luôn nên rất nhà, thuận lợi về mọi mặt. Những ngày nóng bức vừa qua, chúng tôi không phải vất vả nhiều để thu mùa như mọi năm. Bên cạnh đó, giá cả cũng hợp lý.



Ông Hà Thanh Tùng – Giám đốc công ty TNHH DVNN Thái Bình Xanh

Chúng tôi đã có những chính sách cụ thể với bà con nông dân như: Về giống, chúng tôi cung ứng trước cho bà con. Đảm bảo giống chất lượng và theo quy chuẩn của Bộ NN & PTNT. Thứ hai là chúng tôi bảo lãnh về giá thu mua cuối vụ cho bà con. Thứ ba là bảo lãnh về năng suất. Vụ này chúng tôi thu mua khoảng 2.000 tấn thóc tươi cho bà con.


Sản xuất nông nghiệp thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời tiết, dịch bệnh, phương thức sản xuất và thị trường…Và thành công từ vụ xuân vừa rồi đã thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu, từ công tác chỉ đạo điều hành đến chuẩn bị các điều kiện sản xuất. 

Nhờ có máy gặt, người nông dân chỉ việc chở lúa về mà không phải thêm công đoạn tuốt lúa

Có thể thấy, cơ giới hóa, chuyên môn hóa và sản xuất lúa hàng hóa đã dần thay đổi thói quen tư duy thuần nông của nông dân. Nhưng nếu chỉ nhìn ở thành công của vụ lúa xuân năn nay là chưa đủ. Bởi trên thực tế tình trạng được mùa mất giá hay mất giá được mùa vẫn luôn xảy ra. Mà lý do cũng bởi sản xuất chưa thực sự bền vững.

Sản xuất không bền vững

Chuột bọ phá, chi phí đầu tư sản xuất với chi phí thu về đã không tạo ra được lợi nhuận khiến nông dân ngày càng chán ruộng. Con số ruộng bỏ hoang cứ vụ sau cao gần gấp hai lần vụ trước. Điển hình như vụ xuân 2019, toàn tỉnh Thái Bình có trên 800 ha ruộng bỏ hoang thì vụ mùa con số này là gần 1.600 ha. 

Nông dân bỏ ruộng

Chuột nó phá hết rồi, còn không đủ thu hoạch để giá tiền cấy, bừa, tiền phân bón nữa nên là tôi phải bỏ ruộng thôi! 


Tích tụ ruộng đất được coi là lời giải cho bài toán ruộng hoang. Trên những diện tích này có thể sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa giá trị cao. Nhưng bao năm qua con số này vẫn khiêm tốn, chỉ hơn 3.200 ha, trong đó tính cả diện tích trồng màu. Cũng bởi vướng quá nhiều rào cản.

Ông Đặng Xuân Trường – Trưởng phòng hành chính, Công ty TNHH Hưng Cúc:

Chúng tôi triển khai tích tụ ruộng đất làm cánh đồng mẫu lớn từ năm 2016 trở lại đây, nhưng mà diện tích chưa được nhiều lắm. Chỉ khoảng 20 ha thôi. Còn những vướng mắc do có một số hộ dân vẫn giữ lại để canh tác, dẫn đến tình trạng khi quy vùng thì diện tích nó bị xen kẹt với của hộ dân nên rất khó trong quá trình doanh nghiệp thực hiện.


Cũng chính bởi rào cản ấy đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể hiện thực hóa được dự định xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình và đưa thương hiệu ấy vươn xa. 

Ông Phạm Ngọc Hưng – Chủ doanh nghiệp thu mua xay sát chế biến lúa gạo Khang Long: 

Một trong những khó khăn của doanh nghiệp là người dân phá vỡ hợp đồng, được mùa, được giá là nông dân bán ra ngoài với giá cao. Trong những diện tích cấy trồng mà lại gieo  giống lúa khác. Mong muốn là được các đơn vị quản lý Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đầy được việc xây dựng được những vùng nguyên liệu. Điều thứ hai là xây được những xưởng sấy lúa lớn hơn để đảm bảo thu mua.


Khi mà sản xuất nông nghiệp không thực sự bền vững chúng ta sẽ đánh mất đi những lợi thế vốn có của mình. Xây dựng thương hiệu hạt lúa, hạt gạo Thái Bình để xứng tầm vựa lúa lớn ở đồng bằng sông Hồng, đó vẫn là câu chuyện mà chúng ta sẽ tiếp tục đề cập, bàn luận và thực hiện tiếp. 

Hoài Thu

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...