Xu hướng trồng trọt, chăn nuôi theo Vietgap tại Thái Bình

Thứ 2, 09/05/2016 | 09:29:27
4,247 lượt xem

Vấn đề an toàn thực phẩm đang trở nên báo động, khi hàng loạt các vụ sản xuất rau, củ, quả rồi đến tồn dư chất cấm trong chăn nuôi được phát hiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Để tìm giải pháp cho vấn đề này, Thaibinhtv.vn có cuộc trao đổi với Kỹ sư Khúc Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh về thực trạng áp dụng Vietgap và các giải pháp trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt tại Thái Bình.

Kỹ sư Khúc Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Thái Bình.

Thaibinhtv.vn: Thưa kỹ sư Khúc Văn Thịnh- Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình, hiện nay vấn đề thực phẩm bẩn là một hiện trạng đầy nhức nhối, lựa chọn được nguồn thực phẩm sạch cho tiêu dùng là sự quan tâm hàng đầu của người dân. Để có được thực phẩm sạch thì người chăn nuôi và trồng trọt tại Thái Bình phải áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Xin kỹ sư giới thiệu những điểm chính trong quy trình chăn nuôi và trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn Vietgap là như thế nào?

Kỹ sư Khúc Văn Thịnh- Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình:  Trước hết, phải hiểu Gap là gì? Vietgap là gì và lợi ích của Gap. 

Gap là chữ viết tắt tiếng anh của Good Agricultural practice nghĩa là "Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt". Còn theo FAO (Tổ chức lương thực thế giới) “GAP là quá trình thực hành canh tác, chế biến tại trang trại hướng tới sự bền vững của môi trường, kinh tế -xã hội và kết quả là an toàn và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp”.  VietGap là chữ viết tắt tiếng anh Vietnamese Good Agricultural Practices - có nghĩa là "Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam" và được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy tìm nguồn gốc sản phẩm. 

Năm 2008, Bộ NN & PTNT đó cho ra đời tiêu chuẩn riêng về sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn của Việt Nam (VietGap) tại quyết định số 379/QĐ-BNN ngày 28/1/2008 và Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN ngày 10/11/2015 của Bộ NN& PTNT ban hành quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) cho bò sữa, bò thịt, dê sữa, dê thịt, lợn, gà, ngan - vịt và ong.

VietGAP được xây dựng trên cơ sở thừa kế các tiêu chuẩn GAP ra đời trước đó: Global GAP (Gap toàn cầu), AseanGap và các Gap khác trên thế giới. Lợi ích của GAP:  Khi người chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGap vào sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất; các doanh nghiệp chế biến, phân phối sản phẩm; lợi ích đối với người tiêu dùng; người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đó chính là mục tiêu và lợi ích lớn nhất mà VietGap mang lại. 

* Về quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap:

Ngày 28/1/2008, Bộ NN& PTNT đã cho ra đời tiêu chuẩn riêng về sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn của Việt Nam (VietGap) tại quyết định số 379/QĐ-BNN.

Nội dung quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn (trồng trọt) gồm có 12 nội dung: Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất; giống và gốc ghép; quản lý đất và giỏ thể; phân bón và chất phụ gia; nước tưới; hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật); thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; quản lý và xử lý chất thải; an toàn lao động; ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; kiểm tra nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Ở mỗi nội dung trên còn bao gồm nhiều tiểu nội dung, quy trình rất cụ thể, ví dụ như: Nội dung 1 đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất thì một là vùng sản xuất rau, quả áp dụng theo VietGap phải được khảo sát, đánh giá sự phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với quy định hiện hành của nhà nước về mối nguy hại gây ô nhiễm về hóa học, sinh học, vật lý lên rau, quả. Hai là, vùng sản xuất đó có mối nguy hại cao mà không thể khắc phục thì không được sản xuất theo VietGap. Hay nội dung thứ 2 về giống và gốc nhập: Yêu cầu giống và gốc nhập phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Giống tự sản xuất phải có hồ sơ ghi lại đầy đủ các biện pháp xử lý hạt giống, xử lý cây con, hợp chất sử dụng, con người xử lý hạt giống, mục đích xử lý... hoặc như nội dung thứ 6 về hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật)  có tới 19 tiểu mục cần thực hiện.

* Về quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap

  

Mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap ( Nguồn; Internet).

Mới đây nhất, ngày 10/11/2015 Bộ NN & PTNT đã ký Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN ban hành quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGap) cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt, dê sữa, dê thịt, lợn, gà, ngan - vịt và ong.

Về nội dung quy trình trong chăn nuôi, có 8 quy trình cho mỗi loại vật nuôi khác nhau nhưng nội dung chính chung cho có quy trình bao gồm: Địa điểm; chuồng trại và thiết bị chăn nuôi; giống và quy trình chăn nuôi; vệ sinh chăn nuôi; quản lý thức ăn và nước uống cho chăn nuôi; quản lý dịch bệnh; quản lý chất thải và môi trường; quản lý nhân sự; ghi chép lưu trữ hồ sơ; truy rõ nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; tự kiểm tra; khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Song tùy theo đặc thù của mỗi loại vật nuôi mà có thêm các nội dung như với nuôi bò sữa, có thêm nội dung quản lý vệ sinh vắt sữa, hay đối với chăn nuôi lợn thêm nội dung quản lý vận chuyển.

Bên cạnh đó, các nội dung đó là các bảng kiểm tra đánh giá VietGap chăn nuôi. Bao gồm các tiêu chí để đánh giá và quy định cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận phả đạt được số tiêu chí nhất định.

Mỗi cơ sở chăn nuôi theo VietGap phải có mẫu sổ sách và các biểu mẫu ghi chép khác nhau buộc các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện.

Các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt muốn đạt cơ sở Vietgap thi phải được chứng nhận các sản phẩm sản xuất ra phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) và muốn có chứng nhận thì phải lập hồ sơ theo quy định và phải được tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chỉ định cấp chứng nhận Vietgap.

 Thaibinhtv.vn:  Quy trình Vietgap không những giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Xin kỹ sư Khúc Văn Thịnh cho biết, trên thực tế, người nông dân tại Thái Bình đã triển khai thực hiện theo quy trình Vietgap này ra sao?

Kỹ sư Khúc Văn Thịnh: Theo tôi được biết ở Thái Bình về trồng trọt thì chưa có cơ sở nào được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap mà mới chỉ có một số ít vùng sản xuất rau an toàn mà thôi. Về lĩnh vực chăn nuôi thì khá hơn, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y-  Sở NN&PTNT tỉnh đến năm 2015 toàn tỉnh có 1.300 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận sản phẩm chăn nuôi được sản xuất phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) mà những cơ sở này là những cơ sở được thụ hưởng dự án Lipsap từ những năm trước đó. Còn lại một số cơ sở trang trại quy mô lớn mới dừng lại ở mô hình chăn nuôi an toàn.

Về khó khăn trong việc áp dụng VietGap tại Thái Bình, như trên tôi đã nói nếu quy trình thực hành chăn nuôi tốt và trồng trọt tốt (VietGap) là rất khắt khe, chặt chẽ, rất nhiều nội dung cá nhân, đơn vị sản xuất phải thực hiện; rồi phải thông qua kiểm tra, đánh giá của tổ chức được chỉ định chứng nhận Vietgap; phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.

Mặt khác, sản xuất chăn nuôi và trồng trọt ở Thái Bình cũng rất nhỏ lẻ, manh mún chưa theo vùng, theo quy hoạch, chủ yếu vẫn sản xuất theo lối truyền thống. Nhận thức hiểu biết về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Vietgap) cũng rất hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho sản xuất Vietgap không hề nhỏ.

Thaibinhtv.vn: Hội Làm vườn Thái Bình với tư cách là một trong những hội chức năng cần phải vào cuộc để hướng dẫn người dân quen và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Vậy thưa kỹ sư Khúc Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh, hiện nay, Hội đã có những cách làm như thế nào để phổ biến kiến thức này đến đông đảo người nông dân?

Kỹ sư Khúc Văn Thịnh: Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Với chức năng của mình, Hội đã rất coi trọng công tác tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tiếp thu cái mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất.

Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan các mô hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh, như: Mô hình HTX trồng măng tây ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội; mô hình HTX trồng rau an toàn ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rau hữu cơ ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội...

Hội đã thực hiện xây dựng một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và trồng thâm canh một số cây ăn quả. Còn về VietGap chúng tôi mới dừng lại ở khâu tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, các hội nghị của Hội và bản tin được xuất bản hàng quý của Hội về: Thế nào là GAP, Vietgap, lợi ích của VietGap và xu hướng tất yếu hướng đi mới nếu muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp - nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì phải hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Hội làm vườn tỉnh sẵn sàng cung cấp thông tin, quy trình hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho hội viên cũng như các cơ sở muốn sản xuất VietGap.

Thaibinhtv.vn: Quy trình Vietgap với những tác động tích cực đến xã hội, người sản xuất cũng như người tiêu dùng và các doanh ngiệp. Vậy tại sao việc áp dụng quy trình chăn nuôi, trồng trọt theo quy chuẩn Vietgap ở Thái Bình hiện vẫn chưa được nhân rộng, thưa kỹ sư?

Kỹ sư Khúc Văn Thịnh: Để người dân áp dụng rộng quy trình Vietgap trong chăn nuôi, trồng trọt ở Thái Bình thì cần phải có một giải phấp đồng bộ. Trước hết, tỉnh Thái Bình phải xác định được những loại sản phẩm nào trong trồng trọt và chăn nuôi ưu tiên áp dụng VietGap trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung ra, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu về cơ sở hạ tầng (đường, điện, nguồn nước...) hỗ trợ đầu tư vốn, giống, kỹ thuật.

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap ( Nguồn: Internet).

Với người sản xuất, trước hết phải thay đổi được thói quen sản xuất tự phát, truyền thống phải làm quen với việc sản xuất ra sản phẩm an toàn, phải hiểu được VietGap mang lại nhiều lợi ích cho họ, rồi được tập huấn trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, từ đó áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất - Đó là điều kiện bắt buộc để có được những nông sản phảm an toàn, chất lượng. Muốn vậy, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, họ cũng phải nhận được sự hỗ trợ đầy đủ trong việc áp dụng đầy đủ các quy trình VietGap.

Mặt khác muốn phát triển được sản phẩm VietGap phải có sự kết nối với các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp (ta thường gọi liên kết 4 nhà) phải có sự liên kết chặt chẽ, quấn quyện vào nhau trong đầu tư, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tổ chức thu mua, chế biến sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ. Và không thể thiếu được sự đồng hành và là bà đỡ của các cơ quan chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp của tỉnh.

Thaibinhtv.vn: Vâng, cảm ơn kỹ sư! 

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...